Review và giải thích phim Ngọn hải đăng – Lighthouse (2019)

Thời lượng: 109 phút

Đạo diễn: Robert Eggers

Diễn viên: Robert PattinsonWillem DafoeValeriia Karaman

Quốc gia: Mỹ

Thể loại: Kinh dị, hư cấu, kịch tính

Khởi chiếu: 2019

Đây là bộ phim được sản xuất bởi hãng phim độc lập A24 – công ty đứng sau nhiều tác phẩm khá dị nhưng rất độc đáo, trong đó phải kể đến 2 bộ phim nổi tiếng là Di truyền – HereditaryMidsomar. Tương tự 2 tác phẩm kia, Lighthouse cũng không được chiếu ở Việt Nam, tuy nhiên ở thị trường thế giới, phim được các nhà phê bình và khán giả đánh giá rất cao với rất nhiều đề cử giải thưởng danh giá. Nào, hãy cùng Ghiền review tìm hiểu vì sao bộ phim đen trắng Ngọn hải đăng (2019) lại được yêu thích vậy nhé!

Tương tự như những bộ phim hack não khác, phần đầu của bài viết này sẽ là review chung về phim và phần tiếp theo sẽ là giải thích về cốt truyện và một số tình tiết khó hiểu trong phim. Nào, bắt đầu thôi các bạn hơi.

I. REVIEW PHIM

Cốt truyện: Lighthouse là câu chuyện xoay quanh chàng trai trẻ Ephraim Winslow đến một hòn đảo xa xôi để phụ việc giúp người gác hải đăng già Thomas Wake trong vòng 4 tuần. Tách biệt hẳn với xã hội bên ngoài, công việc chỉ lặp đi lặp lại giữa 2 người đàn ông, biển cả và những con chim hải âu. Liệu rằng điều gì sẽ xảy đến với họ?

Chắc hẳn cảm giác của nhiều bạn sau khi xem xong Ngọn hải đăng là không biết mình đang xem cái gì và tự hỏi tại sao lại có một bộ phim nhàm chán đến thế. Tuy nhiên không hiểu sao Ghiền review lại cảm thấy có một sức hút kì lạ, kiểu như cứ muốn xem tiếp để biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó hoặc có con quái vật nào kinh tởm sẽ xuất hiện không í.

Nếu chỉ xem phim ở mặt nổi, bạn sẽ cảm nhận rằng phim hết sức đơn giản và hư cấu quá mức, tuy nhiên nếu bạn đào sâu vào những tình tiết được cài cắm trong phim cùng một số ý nghĩa biểu tượng của nó, bạn sẽ thấy phim hay hơn và nguy hiểm hơn những gì chúng ta đang thấy.

Lighthouse mang đến cảm giác chật chội, ngột ngạt khó diễn tả cho người xem. Điều này có thể đến từ màu phim, bối cảnh phim, âm thanh phim và cả tính cách của các nhân vật trong phim. Sự lặp đi lặp lại của các tình tiết khiến người xem cũng muốn phát điên luôn chứ huống hồ gì những nhân vật trong tình cảnh đó.

Ngọn hải đăng gây khó hiểu cho người xem bởi những hình ảnh giữa mơ và thực cứ đan xen vào nhau không rõ ràng, khiến chúng ta không biết phải tin hay bám víu vào điều gì từ mạch phim vốn rất đơn giản nhưng bị làm cho phức tạp quá mức. Tuy nhiên nếu đặt vị thế mình vào 2 nhân vật chính, có lẽ bạn sẽ hiểu được những gì mà bộ phim đen trắng này kể cho bạn đó.

Nói về ý nghĩa của phim, khó có thể nêu lên hết được chỉ trong một lần xem. Tuy nhiên tương tự với tác phẩm đầu tay The Witch của đạo diễn Robert Eggers, Lighthouse bóc trần được bản chất thật của con người khi chúng ta bị đẩy vào nghịch cảnh. Cả 2 nhân vật chính đều không thật lòng, đều có những bí mật mà họ giấu kín, đều có những cái xấu, cái ác tận trong tâm khảm. Chỉ cần một que diêm mồi lửa thì những thứ ấy sẽ lộ ra và khi ấy họ mới là chính mình.

Yếu tố kinh dị của phim không thực sự đáng sợ nhưng có 1-2 cảnh gì đó khiến bạn hơi giật mình vì hành động bất ngờ và âm thanh đột ngột vang lên. Phim cũng khá máu me nhưng chính tông màu phim trắng đen đã giúp hạn chế bớt sự ghê rợn của những cảnh này, vì vậy Ngọn hải đăng chủ yếu làm bạn cảm thấy sợ vì không biết điều gì sẽ xảy ra, vì ám ảnh bị giam cầm, tách xa loài người như các nhân vật trong phim chứ không phải đến từ việc hù dọa jump-scared. Ghiền review chấm phần này 7.5/10 các bạn nhé.

Hình ảnh: Như đã nói ở trên, Lighthouse sử dụng khung hình tỷ lệ 1,9:1 và định dạng đen trắng để tạo nên sự ngột ngạt, bí bức cho toàn bộ phim. Quả thật là việc lựa chọn này đã thành công khi khắc họa cho người xem một hòn đảo cô quạnh đầy ám ảnh với những ai mắc kẹt nơi đây. Phim có nhiều góc quay và những cú lia máy rất hay, đậm chất nghệ thuật nhưng cũng rất tự nhiên, giúp khán giả dễ theo dõi toàn bộ câu chuyện hơn.

Ngoài ra, tạo hình nàng tiên cá và một loại thủy quái nào đó trong phim cũng khá chân thực và mãn nhãn, đến nỗi mà Ghiền review xem phim đó là thực hay mơ, tưởng tượng của nhân vật hay những gì đang xảy ra luôn nữa. Ghiền review chấm phần hình ảnh 8/10 các bạn nhé.

Âm thanh: Tương tự như phần hình ảnh, âm thanh  của Lighthouse cũng được phối trộn để tạo nên sự ngột ngạt và khó chịu cho người xem. Tiếng động cơ, tiếng hải đăng, tiếng chim hải âu, tiếng sóng biếng, tiếng đánh rắm,…tất cả hòa trộn vào nhau mang đến một vẻ điên loạn khó tả, thậm chí có lúc còn khiến bạn phải giật mình nữa. Ghiền review nghĩ rằng 8/10 là hoàn toàn xứng đáng với những gì mà phần này đã thể hiện nhé.

Diễn xuất: Ngọn hải đăng chỉ có 2 diễn viên chính là Robert Pattinson trong vai Ephraim Winslow và Willem Dafoe trong vai Thomas Wake. Quả thật 2 người quá xuất sắc với vai diễn của mình, diễn xuất cực kỳ chân thực, tự nhiên và mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Hai cái tên quá nổi tiếng này đã quá đủ để bảo chứng về chất lượng của phần này rồi nè. Ghiền review chấm 8/10 cho phần này nhé.

Thang điểm đánh giá:

  • IMDB: 7.8/10 (53.039 đánh giá)
  • Metascore: 83/100
  • Rotten Tomatoes: 91/100 (cà chua tươi)

Tóm lại, Ngọn hải đăngLighthouse (2019) là một bộ phim kinh dị độc lạ, mang đến nhiều suy nghĩ cho người xem. Tuy nhiên phim không hề dễ xem, thậm chí có nhiều người sẽ thấy phim nhàm chán và dài dòng. Để có thể hiểu được phim, bạn buộc phải nghiền ngẫm kỹ các hình ảnh biểu tượng và ý nghĩa của phim. Khi ấy, Ghiền review tin rằng bạn sẽ thấy phim hay và hấp dẫn hơn í.

II. GIẢI THÍCH PHIM

Phần này, Ghiền review sẽ tóm tắt lại nội dung phim, phân tích một số ý nghĩa từ cốt truyện này và đưa ra một số hình ảnh biểu tượng thú vị của phim nhé. Phần này có tiết lộ nội dung phim, các bạn cân nhắc đọc nha 😀

1. Tóm tắt nội dung phim

Ephraim Winslow là một chàng trai trước đây từng làm gỗ ở phía Bắc. Vì mong muốn kiếm thêm tiền, anh đã xin ra một hòn đảo xa xôi để làm phụ tá cho người gác hải đăng già Thomas Wake. Công việc này có thể mang đến cho anh thu nhập cao nhưng đổi lại anh phải làm việc rất vất vả và chăm chỉ trong suốt 4 tuần.

Thomas Wake là một gã đàn ông  thẳng thắn, nói nhiều, thô lỗ, nghiện rượu và thích cằn nhằn. Ông phân cho Winslow làm những công việc nặng nhọc ban ngày, còn ban đêm trực gác ngọn đèn hải đăng thì ông dành về phần mình và cấm Winslow bén mảng tới đó. Ông cũng là một người có đức tin lớn vào thần thánh và kiên quyết cảnh báo Winslow không được giết chim hải âu vì sẽ bị trừng phạt do loài chim này chứa linh hồn của các thủy thủ từng bỏ mạng trên biển xanh.

Về phía Winslow, anh ít nói, chăm chỉ làm việc và nhẫn nhịn trước những lời lăng mạ từ người sếp mới. Anh phát hiện ra bên trong chiếc gối ở giường mình, có một bức tượng nàng tiên cá của người phụ tá tiền nhiệm để lại. Anh hỏi Wake vì sao người phụ tá đó nghỉ việc thì nhận được câu trả lời là ảnh bị ám ảnh bởi sự hiện diện của nàng tiên cá và những con quái vật nơi đây nên phát điên rồi bỏ đi.

Làm việc thì cực nhọc, cuộc sống xa lánh với con người, lại thêm lúc nào cũng văng vẳng những âm thanh điên đầu cùng với những lời mắng chưởi của Wake, Winslow dần mơ hồ về nhiều thứ. Anh bắt đầu nằm mơ thấy nàng tiên cá mắc kẹt trên bờ với phần trên trần như nhộng và ham muốn tình dục của ảnh bắt đầu trỗi dậy.

Ngoài ra, anh cũng tò mò khám phá xem rốt cuộc trong mỗi ca trực đêm, Wake thường làm gì để có thể gắn bó với nơi đây mười mấy năm. Winslow phát hiện ra trên lồng đèn đó, có một con quái vật xuất hiện và Wake thì thủ dâm khi ở trên ấy. Winslow cũng tìm thấy xác của người phụ tá tiền nhiệm trong lồng nuôi tôm ở bên Ngọn hải đăng. Những ngờ vực về Wake trong anh ngày một gia tăng.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cuối cùng cũng chỉ còn 1 ngày nữa là anh kết thúc thời gian làm việc ở đây. Tuy nhiên Winslow cảm thấy dường như bọn hải âu đang trêu người mình, nhảy thẳng vào hồ nước mà anh đã cất công dọn sạch những ngày trước. Chính vì thế, mặc cho Wake đã cảnh cáo, Winslow không kiềm chế được cơn giận dữ và đã thẳng tay đập chết một con chim tội nghiệp.

Hành động này của anh đã làm thần linh phẫn nộ, thay đổi chiều gió và kéo bão tới. Trong đêm đó, Wake không muốn để Winslow rời đi nên đã chuốc cho anh uống thật say, quên hết thời gian, không gian và lỡ mất chuyến tàu chở anh vào đất liền.

Bão tố liên tục nổi lên suốt mấy tháng liền khiến tàu bè không thể ra khơi. Winslow mắc kẹt ở hòn đảo này với những bực tức, hoài nghi và chìm đắm trong say xỉn. Anh thủ dâm với bức tượng nàng tiên cá nhưng không thể lên đỉnh do có nhiều thứ trong quá khứ và sự hoài nghi ở hiện tại khiến anh bị sao nhãng.

Trong một đêm say, anh và Wake cùng hát hò, khiêu vũ và thậm chí là suýt hôn nhau. Sau đó, anh thổ lộ với Wake về việc tên mình không phải là Ephraim Winslow mà là Thomas Howard. Ephraim Winslow là tên của người chủ trước nơi mà anh từng làm gỗ. Trong một lần khuôn vác gỗ, tên chủ này bị trượt chân và bị gỗ đề chết, vì vậy Thomas Howard lấy đồ đạc của Ephraim Winslow cũng như lấy luôn cái tên này để có một lai lịch đẹp nhằm có thể dễ dàng đi xin việc khắp muôn nơi.

Sáng hôm sau, Howard nhận ra mình đã lỡ kể bí mật cho Wake nên anh vội vàng lấy tàu cứu hộ để trốn thoát khỏi hòn đảo này. Tuy nhiên Wake đã lấy rìu phá nát con tàu đó để giữ Howard ở lại. Wake chơi đòn tâm lý với Howard, khiến anh không biết thực sự mình đang tỉnh hay đang say, khiến anh không biết mình đã mắc kẹt ở hòn đảo này bao lâu rồi.

Rượu bây giờ cũng đã hết. Howard và Wake cùng chế ra một loại rượu mới nặng và phê hơn. Tối đó 2 người lại say xỉn đến nỗi nước ngập vào nhà mà cả 2 đều không hay biết. Sáng hôm sau tỉnh dậy, Howard đọc được cuốn nhật ký công việc của Wake đang trôi nổi ở dòng nước ngập khắp nhà. Thì ra Wake viết ra những lời tệ hại nhất để mô tả về Howard và thậm chí ông có ý định quỵt tiền lương của anh. Nỗi tức giận của Howard lại tăng thêm một tầm cao mới.

Chuyện gì đến rồi cùng phải đến. Hai người tranh cãi, bóc trần những dối trá mà cả 2 đã từng nói cho đối phương. Ephraim Winslow không phải chết vì tai nạn mà chết do Howard giết mà nguyên nhân là ông ta cũng la mắng và chửi bới Howard như cách mà Wake đang làm. Đối với Wake, ông ta cũng không phải là một người thủy thủ từng đi khắp năm châu bốn biển. Chân ông gãy không phải như câu chuyện mà ông ta kể và đặc biệt cái chết của người phụ tá tiền nhiệm một phần là do ông ta gây ra.

Tuy nhiên, Howard vẫn kìm nén được cơn giận của mình và cầu xin Wake cho lên coi ngọn đèn (trước đây anh thử ăn trộm chìa khóa của Wake để lên đây nhưng không thành công). Wake từ chối và 2 người ẩu đả với nhau. Với sức trẻ của trai ngoài 30, Howard dễ dàng đè ông lão U60 xuống và nện cho một trận nhừ từ. Trong khoảnh khắc đó, anh lại tưởng tượng ra cách anh giết chết vị chủ cũ, đồng thời mộng dâm ra cảnh nàng tiên cá đang mơn trớn mình.

Bản chất nóng tính và ghét bị coi thường của Howard bây giờ đã lộ ra. Hắn bắt Wake làm chó, bắt phải sủa và tròng dây vào cổ để dắt đi dạo. Howard đưa Wake đi chôn sống và lấy chiếc chìa khóa để lên trên ngọn hải nhằm khám phá sự kì diệu trong đó. Wake vẫn chưa chết, cầm rìu bổ một rìu vào vai Howard trong lúc hắn bất cẩn, nhưng lại bị chính Howard giết chết trong gang tấc.

Howard ngang nhiên tiến lên Ngọn hải đăng. Bước vào đây, thứ ánh sáng hào quang đó khiến anh cảm thấy sướng run người lúc ban đầu nhưng nhanh chóng sau đó là nóng và rát. Cuối cùng Howard bị bật ra khỏi tầng cao nhất, rơi theo các bậc cầu thang ra ngoài. Lúc này, Howard bị các vị thần trừng phạt nằm dài trên bãi biển không một tấm áo che thân và bị lũ chim hải âu moi nội tạng trong sự ngơ ngác bần thần của anh.

2. Hàm ý khác từ nội dung phim

Nghe Ghiền review tóm tắt cốt truyện như ở trên, có bạn sẽ thấy phim này vừa thực vừa ảo, vừa phản ánh đúng tâm trạng thực tế nhưng cũng vừa đầy chất thần thoại, liêu trai chí dị trong đó. Tất nhiên nếu chúng ta nhìn theo một góc độ khác, câu chuyện trên sẽ thay đổi hoàn toàn và trở nên thực tế hơn.

Ghiền review cho rằng chàng trai xin việc và ông già gác hải đăng chính là một người. Có nhiều tình tiết trong phim để bảo vệ luận điểm này. Đầu tiên, cả 2 đều có cùng tên là Thomas – một sự trùng hợp quá ngẫu nhiên phải không các bạn? Thứ hai, sau khi bị té cầu thang do nhìn ngọn đèn trên đỉnh tháp, có thể Thomas Howard đã bị gãy chân, trùng khớp với tạo hình của lão già Thomas Wake. Thứ ba, sự cọc cằn, nói nhiều của Thomas Howard bộc phát khi say rất giống với phong cách của người gác hải đăng già.

Có thể hiểu câu chuyện phim như sau: Sau khi giết chết người chủ cũ nơi làm gỗ, Thomas Howard tìm đến hòn đảo xa xôi, nhận công việc gác hải đăng và trốn tránh thực tại. Sự nhàm chán, bí bách nơi đây đã biến một con người ít nói, không rượu bia trở thành một gã cộc cằn, nói nhiều, bợm rượu và hoang tưởng. Hắn mắc kẹt ở đảo này trong nhiều năm, tự tưởng tượng ra biết bao nhiêu thứ, bắt đầu có đức tin và thần thánh hóa Ngọn hải đăng.

Quá buồn chán, tẻ nhạt và cô đơn, hắn tự tưởng tượng ra hình ảnh lão già Thomas Wake – trong đó Wake có nghĩa là thức tỉnh, cho thấy một bản ngã khác của chàng trai năm nào được tạo nên. Mọi chuyện xảy đến giữa 2 nhân vật nêu trên cũng chỉ là sự hư cấu do óc tưởng tượng của Thomas Howard mà ra. Ở cảnh cuối, anh bị té què chân. Trong giây phút đó, anh tưởng tượng mình bị lũ hải âu moi nội tạng trong tình trạng khỏa thân (như cái kết của một câu chuyện thần thoại cổ xưa), hàm ý việc anh đang nằm để nghiền ngẫm lại tội lỗi và cuộc đời mình.

3. Ý nghĩa biểu tượng của phim

– Thứ gì nằm trên đỉnh của Ngọn hải đăng?

Lighthouse có nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng lắm nhưng chắc hẳn điều mà các bạn quan tâm nhất đó là thứ gì nằm ở trên đỉnh của Ngọn hải đăng? Đây là một câu hỏi thực sự không có câu trả lời, thậm chí khi hỏi đạo diễn của phim, ổng cũng nói rằng bạn không nên biết có thứ gì trong đó vì nếu bạn biết thì bạn sẽ gặp phải hậu quả tương tự. Nghe hãi hùng hen.

Tuy nhiên chúng ta có thể suy đoán được một vài ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh này như sau:

+ Ngọn hải đăng nhìn rất giống với một cái dương vật, đứng sừng sừng giữa trời. Do đó, thứ mà các nhân vật cảm thấy phê pha ở trên đỉnh của Ngọn hải đăng có thể là điểm G trên dương vật của người đàn ông. Ngoài ra nếu theo văn hóa phồn thực, thì có thể thứ lạ kì kia chính là âm vật, thứ mà 2 gã đàn ông cô đơn trên đảo đều mong muốn và cảm thấy phê pha để thủ dâm.

+ Thứ ở trên Ngọn hải đăng kia có thể là ngọn lửa của thần Apollo trên đỉnh Olympus. Nguyên nhân vì sao, ở phần tiếp theo Ghiền review sẽ giải thích nhé.

+ Đây cũng có thể là biểu tượng của trái cấm. Thomas Howard đã lén tận hưởng trái cấm nên bị Thượng đế trừng phạt

+ Thứ này còn có thể là cảnh cổng địa ngục theo truyện dân gian vùng Châu Âu. Nhìn vào cánh cửa địa ngục, ban đầu chúng ta thấy bị cám dỗ nhưng càng tiếp xúc lâu, chúng ta sẽ bị bỏng rát và thậm chí là bị thiêu rụi luôn í.

– Hai nhân vật chính của phim

Trong một câu thoại của Lighthouse, nhân vật Thomas Wake đã nhắc đến ProteusPrometheus. Hai vị thần của thần thoại Hy Lạp này chưa bao giờ liên quan đến nhau nhưng nếu xét trong bối cảnh phim thì có vẻ rất phù hợp.

Proteus là vị thần Titan cai trị biển cả cùng với Nereus trước khi bị Poseidon lấn át trong cuộc nổi loạn của Zeus chống lại cha mình. Ông được mệnh danh là “ông già của biển cả” và là “vị thần khó nắm bắt”. Ông nổi tiếng với việc có nhiều hình dạng khác nhau. Qua mô tả trên, chúng ta thấy Thomas Wake chính là đại diện cho Proteus khi mà nhân vật này cũng là một lão già, cai trị vùng biển đảo xa xôi và thực sự khó nắm bắt được những gì ông ta nói thứ nào là giả, thứ gì là thật. Trong phim, chúng ta thấy được hình ảnh ông mọc sừng, vảy và có xúc tua như bạch tuộc. Đây có thể là hàm ý về một trong những hình dạng của Proteus đó các bạn ạ.

Ngược lại, Prometheus là con trai của Lapetus Themis, anh em của Atlas. Ông từng ăn cắp ngọn lửa của thần Apollo trên đỉnh Olympus và trao cho loài người. Zeus đã trừng phạt ông bằng cách buộc ông vào một tảng đá để một con đại bàng ăn gan của ông hàng ngày, nhưng lá gan cứ ban ngày bị ăn thì ban đêm lại tái sinh. Đọc đến đây các bạn đã thấy quen chưa? Thomas Howard chính là đại diện cho Prometheus và cái chết ở cuối phim là mô tả cho cảnh chết này trong thần thoại đó. Chi tiết lá gan tái sinh cũng hàm ý rằng cảnh trên không cho thấy Thomas Howard sẽ chết hẳn mà chỉ đơn giản là ông đang ngẫm lại tội lỗi và cuộc đời mình.

Ngoài ra, theo suy đoán của Ghiền review ở mục 2 phía trên, Thomas Howard và Thomas Wake là 1 người. PrometheusProteus cũng có tiền tố và hậu tố trong tên i hệt nhau. Bây giờ, bạn thấy được sự liên quan thú vị của phim với thần thoại và với điều thực sự đã xảy ra chưa nào?

-BatmanHCM-

Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?

4.5/5 - (4 bình chọn)

1 bình luận về “Review và giải thích phim Ngọn hải đăng – Lighthouse (2019)

  1. Pingback: Review phim Tháng năm hạnh phúc ta từng có - Ghiền Review

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN NHÉ!