Thời lượng: 118 phút
Đạo diễn: Garth Davis
Diễn viên: Dev Patel, Nicole Kidman, Rooney Mara
Quốc gia: Mỹ
Thể loại: Tình cảm, kịch tính
Khởi chiếu: 2016
Trong chuyên mục phim cũ mà hay của Ghiền review hôm nay, Ghiền review xin giới thiệu với các bạn bộ phim mang tên Lion (2016) – Tìm về cội nguồn (Một số trang dịch là Tìm mẹ) – một tác phẩm điện ảnh được đề cử giải Oscar năm 2017 dựa trên câu chuyện có thật gây sửng sốt nước Úc và Ấn Độ năm 2012. Nào, hãy cùng bắt đầu ngay với Ghiền review nhé.
Cốt truyện: Như đã nói ở trên, Lion sử dụng chất liệu thực tế về hành trình tìm mẹ của doanh nhân gốc Ấn Saroo Brierley sau hơn 20 năm thất lạc gia đình ở một vùng quê nghèo Ấn Độ, được chính ông ghi chép lại trong quyển hồi ký A Long Way Home (2013). Trong một lần đi kiếm tiền phụ giúp mẹ cùng anh trai Guddu của mình, Saroo lúc này mới chỉ 5 tuổi đã bị lạc đến vùng Calcutta, cách xa nhà cậu tới tận 1600km.
Một đứa trẻ bơ vơ nơi xứ lạ, không biết nói tiếng bản địa nơi đây, phải lay lắt kiếm sống và chạy trốn những kẻ xấu xa với âm mưu lạm dụng cậu. May mắn thay, cậu được nhận vào một cơ sở giáo dục nuôi dạy trẻ mồ côi và sau đó được một cặp vợ chồng người Úc nhận nuôi, cho cậu một cuộc sống mới.
Tuy nhiên, dù đã có một công việc ổn định và mọi thứ hạnh phúc ở Úc, cậu vẫn nhớ về Guddu, mẹ và em gái của mình ở một nơi xa xôi nào đó của Ấn Độ. Chính vì vậy, Saroo đã gom góp những mảng ký ức mơ hồ của mình và sử dụng công cụ Google Earth để tìm nhà của mình. Sau bao nỗ lực cuối cùng cậu cũng tìm ra được đường về cội nguồn trong niềm vui và nước mắt.
Thực sự chất liệu mà phim dựa vào quá sức hay luôn các bạn ạ. Một câu chuyện tuyệt vời về tình cảm gia đình và mình chắc rằng không ít thì nhiều bạn cũng sẽ rơi nước mắt ở những phút cuối của phim. Nếu muốn tìm lại cảm xúc trong cuộc sống xô bồ này, Ghiền review nghĩ rằng bạn không thể bỏ qua Lion (2016) được. Hãy thử xem và cảm nhận nhé.
Phim hay nhất là khoảng 1/3 phim khi câu chuyện về gia cảnh khốn khó của Saroo cũng như tình cảm của 2 anh em khiến người xem vô cùng xúc động. Ấn Độ là một đất nước có chênh lệch giàu nghèo rất lớn nhưng xem phim chúng ta mới cảm nhận được cái nghèo đó nó ghê gớm như thế nào, tương tự như cách phim Triệu phú khu ổ chuột đã tái hiện lại cho chúng ta.
Xem những đoạn đầu phim này, chắc hẳn ai cũng sẽ yêu, ai cũng sẽ thương và ai cũng sẽ lo lắng cho cậu bé 5 tuổi lạc gia đình với đôi mắt hồn nhiên ngây thơ ấy. Thực sự khoảnh khắc cậu bé được cặp vợ chồng người Úc giàu có nhận nuôi, mình cảm thấy vẫn còn niềm tin vào cuộc sống và sau tất cả cuối cùng Saroo cũng đã tìm được may mắn cũng như hạnh phúc cho mình.
1/3 tiếp theo của phim nói về việc Saroo trưởng thành với một cuộc sống êm đẹp nhưng những ký ức và nỗi nhớ nơi quê nhà vẫn làm cậu khắc khoải không nguôi, thậm chí khiến cậu bị tự kỷ, muốn xa lánh mọi thứ để tập trung vào việc tìm kiếm nhà mình bằng Google Earth. Phần này của phim được dựng nên bởi tiết tấu khá chậm, rời rạc, không cuốn hút và sa đà nhiều quá về cảm xúc của Saroo nên gây ra đôi chút nhàm chán cho phim, dù rằng đoạn mở đầu phim quá hay luôn.
Ở đoạn cuối của phim, khi mà Saroo đoàn tụ với gia đình là lúc mọi thứ trở nên vỡ òa, dù rằng chưa đã lắm, chưa thật lắm nhưng vẫn khiến người xem cảm động. Nếu bộ phim khai thác nhiều hơn về nhân vật mẹ và anh trai Guddu sau vụ mất tích của Saroo, chắc chắn sẽ làm cho cảm xúc khúc cuối này thăng hoa thực sự và tổng thể bộ phim sẽ hay hơn.
Ghiền review bị ấn tượng bởi cặp vợ chồng người Úc đã nhận nuôi Saroo kinh khủng. Cách họ yêu thương những đứa trẻ xa lạ, có quá khứ khó khăn và dành hết tình yêu như con đẻ của mình thật đáng ngưỡng mộ. Mà thật sự họ không cần quan tâm là con đẻ hay con nuôi, vì đều là con của mình hết. Có một phân đoạn nói rằng họ có khả năng sinh con nhưng họ quyết định không sinh vì thế giới đã quá nhiều người rồi, sinh con không chắc sẽ làm thế giới tốt hơn nhưng nhận nuôi những đứa trẻ khó khăn như vậy, chắc chắn sẽ giúp chúng có một cuộc đời tốt hơn. Thật đáng khâm phục vì suy nghĩ cao thượng này.
Ngoài ra phim còn phản ánh rất nhiều khía cạnh trong xã hội Ấn Độ, bên cạnh sự phân biệt giàu nghèo rất lớn nơi đây. Chúng ta có thể thấy con số trẻ em ở đất nước này đi lạc mỗi năm khủng khiếp đến nhường nào, các cơ sở nhận nuôi trẻ mồ côi thì bạo hành chúng, tình trạng lạm dụng trẻ em còn phổ biến và vẫn còn nhiều trẻ em chưa đủ tuổi lao động đã phải bương chải cuộc sống vì gia đình.
Tại sao phim lại có tên là Lion –Sư tử? Có lẽ xem đến cuối phim, bạn sẽ hiểu được cái tên này. Chính vì sở hữu một trái tim dũng cảm như vị chúa sơn lâm cùng một tình yêu thương gia đình vô bờ bến, đã giúp Saroo thực hiện được điều không tưởng này. Ghiền review chấm 7/10 cho phần nội dung phim.
Hình ảnh: Phim đã tái hiện cho người xem cuộc sống khổ cực vô cùng của vùng quê nghèo Ginestley của Ấn Độ qua những thước phim chân thực với một tông màu vàng nhạt tối tăm. Chỉ cần nhìn cái không khí chật chội đông đúc đó, người xem đã đủ cảm nhận được cái nghèo mà các nhân vật đã và đang trải qua. Tuy nhiên, với những góc quay rộng và nghệ thuật của phim ở những phân cảnh này, lại mang đến một không gian hùng vĩ và một cuộc sống bình yên trong lòng người xem.
Trái lại với điều này, dù cảnh ở Tasmania – Úc đẹp và hiện đại là thế nhưng những góc quay ở đây lại không mang được nhiều cảm xúc cho người xem. Có lẽ chỉ những cảnh quay ở Ấn Độ mới thực sự để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ cũng như giữ trọn được tinh thần của bộ phim. Ghiền review chấm phần này 7.5/10 nhé.
Âm thanh: Theo cảm nhận cá nhân của mình, nếu phần này làm tốt hơn, chắc chắn cảm xúc và độ hấp dẫn của phim sẽ tăng lên rất nhiều. Nhìn chung phần này trong Tìm về cội nguồn chỉ ở mức bình thường, đủ để người xem hiểu được cảm xúc nhân vật và rướm lệ ở những cảnh cảm động của phim. Mình chấm phần âm thanh số điểm là 6.5/10 nhé.
Diễn xuất: Mình thích 2 diễn viên nhỉ đóng vai Saroo và Guddu hơn bất cứ nhân vật nào trong phim. Cảm giác 2 em đã mang lại một điều gì đó nó rất chân thực và cái cách mà em thể hiện câu chuyện phim rất tự nhiên. Tình anh em trong phim rất đẹp và đáng trân quý nhưng nếu không có 2 cậu bé này thể hiện thì có lẽ khán giả khó lòng có được cảm xúc như vậy.
Nhân vật Saroo lúc lớn do nam diễn viên Dev Patel thể hiện đã mang về cho anh đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên với mình, ngoài vẻ đẹp trai nam tính thì biểu cảm và diễn biến tâm lý của anh này khiến mình cứ bị mông lung như thế nào í, kiểu như chưa cảm nhận rõ được ảnh đang suy nghĩ nhất quán điều gì.
Một diễn viên diễn tốt nữa phải kể đến diễn viên hạng A của Hollywood Nicole Kidman trong vai Sue – người mẹ Úc của Saroo. Nữ diễn viên có một đoạn thoại vô cùng đắt giá như mình đã nói ở phần trên cũng như tạo hình khá sát với nguyên bản thực tế. Tuy vậy, do quá tập trung miêu tả cảm xúc của Saroo mà tính ra vai diễn của Nicole vẫn thiếu đất diễn như tuyến nhân vật phụ khác. Ghiền review chấm 7/10 cho phần này các bạn nhé.
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: 8.1/10 (183.040 đánh giá)
- Metascores: 69/100
- Rotten Tomatoes: 85/100 (Cà chua tươi)
Tóm lại, Tìm về cội nguồn –Lion (2016) là một bộ phim khá đáng xem với một câu chuyện phi thường về tình cảm gia đình được tái hiện lại chân thực bằng ngôn ngữ hình ảnh. Mặc dù vẫn còn nhiều khuyết điểm nhưng giá trị nhân văn và những ý nghĩa sâu sắc được lồng ghép trong phim thật sự mang đến cho người xem rất nhiều cảm xúc. Nếu bạn đang tìm một bộ phim hay về tình cảm gia đình, thì đây chắc chắn là một trong những lựa chọn thú vị nhất cho bạn đấy.
– BatmanHCM-