Suy nghĩ về tuổi trẻ của những “người chung”

“Người chung” là thuật ngữ mà Ghiền review tạm gọi tên cho những người sở hữu trong mình những thứ chung chung và thể hiện ra bên ngoài cũng ở một mức độ trung bình như vậy, không khác biệt hay nổi trội mà chỉ bình thường thế thôi. Thật sự không xác định rõ được nhóm người này thuộc thế hệ nào nhưng hình mẫu phổ biến của họ rơi vào cuối thời kỳ 8x đến đầu 9x các bạn ạ. Họ có những trăn trở về sự trung bình của mình trong xã hội này và hãy cùng Ghiền review thử tìm hiểu những suy nghĩ đó các bạn nhé.

Những “người chung” luôn cảm thấy họ là hình mẫu phổ biến nhất của cuộc đời. Họ không qua xấu, cũng chẳng quá tệ nhưng lại không phải là đẹp và cũng chẳng quá xuất sắc gì cả. Định mệnh đưa họ vào cuộc đời này như những đứa trẻ khác, được hưởng sự chăm sóc và giáo dục một cách đại trà. Nhớ những năm cấp 2, cấp 3, tôi phải học rất nhiều môn, đâu đó 12-13 môn, mỗi môn là một lĩnh vực của cuộc sống mà theo họ tất cả các môn đều cần thiết cho tương lai sau này của tôi.

Với tâm lý của một “người chung”, tôi cố gắng học hành, giỏi đều các môn, môn nào cũng biết chút chút, để sao cho tổng các môn học phải trên 8,. Tôi được thầy cô, bè bạn tán dương nhưng sâu thẳm trong tôi biết rằng những môn quan trọng thì tôi không giỏi, không sáng tạo và chẳng chuyên sâu, gặp bài khó thì sẽ phải loay hoay hàng giờ tìm lối mòn để giải, ngay đến môn ngoại ngữ tôi cũng chỉ làm được trắc nghiệm theo những cấu trúc đã học thuộc lòng còn để giao tiếp thì cổ họng lại nấc nghẹn vì sự thiếu tự tin và trải nghiệm thực hành của mình.

Điều tôi lo sợ đã đúng. Tôi thi đại học với kết quả ba môn chỉ ở mức trung bình, nhờ có thêm điểm ưu tiên vùng nữa mới đủ đậu vào một trường ở Sài Gòn. Thầy cô và gia đình kỳ vọng tôi làm được tốt hơn thế nhưng tự bản thân tôi hiểu rằng đây là kết quả thực của cậu học sinh giỏi toàn diện nêu trên. Tôi bước vào giảng đường đại học khi mà không biết sau này mình sẽ làm gì, mình thích cái gì vì cái xã hội bây giờ cũng chung chung và mông lung lắm. Thế nên tôi lựa chọn lĩnh vực mà người thân và hàng xóm gọi đó là “ngon” vì sẽ mang đến một tương lai rộng mở – Ngành Kinh tế. Vào đây, tôi mới hiểu, kinh tế lại là một thuật ngữ rất chung và thực sự định mệnh luôn muốn tôi phải gắn với từ có 5 chữ cái này.

Giữa quá chừng tín chỉ thuộc nhiều học phần khác nhau và thời gian học thì có hạn, môn nào tôi cũng chỉ học như cưỡi ngựa xem hoa và thực tế một số thầy cô cũng thừa nhận điều này. Đến khi phân ngành, tôi cũng nhắm mắt đưa tay theo số đông để vào với ngành hot nhất lúc bấy giờ. Một điệp khúc cũ lại lặp lại, tôi và các bạn được học đủ kiến thức từ vi mô đến vĩ mô, hoành tráng lắm, phân tích số liệu dữ dội lắm nhưng rốt cuộc bản chất cốt lõi của vấn đề tôi không hề hiểu được. Những năm tháng ấy, tôi chỉ biết học, làm và thi theo những công thức có sẵn. Cứ thế, tôi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân và số điểm tiệm cận mức giỏi.

Với kết quả như trên, tôi không gặp quá nhiều khó khăn để có thể xin được một việc làm nhưng năng lực lại không cho phép tôi lọt qua con mắt của những nhà tuyển dụng ở các công ty lớn. Tôi không thể vào làm ở các công ty đa quốc gia với lương thử việc lên đến 7-8 con số như một số đứa bạn cùng ngành làm được mà chỉ được nhận vào trung tâm thu nơ của một ngân hàng nội địa với mức lương chỉ gấp đôi giá tiền phòng tôi đang thuê trọ.

Với mong muốn cải tổ lại trung tâm này, vị sếp nước ngoài lựa chọn tôi như một nhân tố nòng cốt để thử nghiệm nhiều chức danh, vị trí mới. Lúc đầu tôi vui mừng lắm vì ít nhất mình cũng là khác biệt nhưng sau một thời gian tôi nhận ra rằng vòng xoáy chung chung vẫn không rời bỏ tôi. Khi nào sếp thích, sếp giao việc cho tôi, còn không tôi chỉ biết làm bạn với những việc không tên. Mình tôi phải mò mẫm làm ra những báo cáo mà chính tôi cũng không biết thực sự nó có lợi ích gì hay không. Tôi cứ loay hoay tìm và làm những cái mới trong khi bản chất vấn đề tôi không hiểu rõ cũng như chẳng có định hướng gì cho tương lai. Vì vậy, hết 1 năm ở đây, tôi chuyển qua một ngân hàng khác cũng ở bộ phận thu nợ để hi vọng rằng mình có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực pháp lý.

Trong khoảng thời gian này, tôi cũng lân lạ học thêm thạc sĩ cùng ngành đại học để hy vọng có được thứ gì đó chuyên sâu hơn. Nhưng rồi tôi nhận ra mình vẫn không nắm được chút gì cả dù đang đội chiếc mũ thạc sĩ trên đầu. Có lần một người quen nhờ tôi giải một bài tập thuộc chuyên ngành của mình và nhanh như chớp, tôi có bài giải đầy đủ cùng sự tự tin rất lớn kèm theo. Thế nhưng khi thầy giáo trả bài cho người đó, bài làm được điểm thấp do tôi làm thiếu một yếu tố, từ đó làm sai cả bài. Điều này xảy ra không phải chỉ một lần mà là rất nhiều lần, khiến cho bạn tôi không còn tin tưởng vào khả năng của tôi nữa. Và tôi cũng thế.

Lại nói về công việc, ở môi trường làm việc mới, tôi kết thân được nhiều anh chị tốt bụng nhưng đổi lại tôi phải tiếp tục với những công việc báo cáo số liệu không có nhiều ý nghĩa. Có lẽ với background ngành học đại học đã khiến tôi được tin tưởng để các sếp giao những việc chung chung, không gọi thành tên như vậy. Sau 2 năm, tôi lại qua một ngân hàng mới ở vị trí nhân viên kinh doanh, hi vọng sẽ có sự đổi khác trong công việc và tương lai sắp tới. Ở năm thứ năm từ khi bước ra cổng trường đại học, một lần nữa tôi không cảm thấy niềm vui nơi công việc và nhận ra mình không có khả năng trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi không xuất sắc để được giao chăm sóc các khách hàng lớn nhưng cũng không đến nỗi quá tệ để không làm được khách hàng nào. Trong công việc, tôi không chủ động tìm những phương pháp mới để tiếp cận khách hàng và trở nên lười biếng theo guồng quay chung ở đây dù áp lực chỉ tiêu vẫn treo lủng lẳng trên đầu tôi mỗi ngày.

Tôi nhớ có một lần, sếp gọi tôi vào giải thích phần phân tích của mình trong tờ trình. Đây là lĩnh vực chuyên ngành của tôi nên tôi rất tự tin với những điều mà mình đã viết. Tôi sử dụng công thức của những người đi trước và cứ thế ráp số vào thôi. Sếp hỏi tôi kết quả ra âm như vậy là tốt hay xấu? Theo quán tính và phân tích trong tờ trình, tôi khẳng định ngay là tốt nhưng chưa thực sự một lần nào từng suy nghĩ ý nghĩa thực sự của con số đó là gì. Lúc ấy, nụ cười của sếp như đánh thẳng vào tâm khảm của tôi về một cỗ máy đang đứng trước mặt, học đến thạc sĩ rồi mà kiến thức cơ bản còn sai trầm trọng như thế. Đó cũng là lúc tôi nhận ra mình chính là một trong những “người chung” điển hình.

Bây giờ nếu nhìn qua bạn bè và những người đi trước, có người đã mua được nhà, có người làm rất nhiều ngành nghề và hàng tháng gửi về quê cho cha mẹ kha khá tiền, có người lập công ty riêng hay có người ra nước ngoài công tác. Nhìn lại mình sau 5 năm đi làm vẫn chưa có gì trong tay, vẫn đang mông lung về khả năng thực sự của mình và tương lai phía trước, tôi như có thêm động lực để làm một điều gì đó khác nhưng lại không biết nên bắt đầu tư đâu hết.

Không chỉ thếđâu, những “người chung” như tôi cũng chung chung trong nhiều mối quan hệ. Tôi có rất nhiều bạn nhưng bản thân tôi không định hình rõ ai là người thực sự ở bên khi tôi cần. Tôi cũng tập chơi nhạc cụ, nhưng rồi chỉ dừng lại ở mức biết chơi, đánh được 1-2 điệu cơ bản nhưng khi đưa cây đàn thì lại chẳng tự tin bao nhiêu. Tôi thích đi du lịch nên mỗi tháng tôi đi một hai lần không xa thì gần. Tôi thích cảm giác đi đâu đó nhưng khi đến cái địa danh ấy lại không biết gì về nó do không tìm hiểu kỹ trước khi đi cũng như lúc về lại bị cuốn theo nhiều thứ mà không thể viết nổi một bài cảm nhận về chuyến đi ấy như những người khác thường viết. Những “người chung” như chúng tôi vô dụng và vô định quá phải không các bạn?

Tóm lại, tôi chỉ muốn chia sẻ cho các bạn hiểu thêm những suy nghĩ của mình mà thôi. Khi viết những dòng này tôi cũng tự hỏi rằng không biết mình có chia sẻ chung chung quá hay không? Có thể bạn cho rằng chúng tôi yếu kém, thiếu tự tin và quyết tâm trong từng lĩnh vực nhưng cuộc đời đã trói buộc chúng tôi như vậy và chúng tôi vẫn đang cố gắng thay đổi từng ngày. Có lẽ chúng tôi luôn chung chung nhưng nhờ vậy mà chúng tôi là khác biệt với những người thành công và những kẻ thất bại. Liệu rằng bạn có phải là “người chung” như tôi không?

Đánh giá nào!

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN NHÉ!