Ghiền review mới được thưởng thức vở nhạc kịch Tiên Nga tại nhà hát Bến Thành. Đây là một vở kịch được ca ngợi rất rất nhiều trên mạng xã hội và việc mua vé cũng hơi bị khó luôn. Hãy cùng mình review vở kịch này các bạn nhé.
Cốt truyện: Dưới sự dẫn chuyện của cụ Nguyễn Đình Chiểu (Nghệ sĩ Thành Lộc đóng), câu chuyện về cuộc đời và mối tình giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được kể đến khán giả một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, thay vì yếu tố Giao Long hay Phật Bà Quan Âm như trong truyện thì các nhà sản xuất đã thêm nhân vật Kim Liên – nữ a hoàn của Nguyệt Nga để mang đến cho người xem một hình tượng rất thú vị. Các bạn đừng nghĩ rằng là một người hầu thì vai trò của Kim Liên rất phụ, đây là nhân vật chính đó vì đúng như lời kết của NS Thành Lộc, Tiên Nga là câu chuyện của Tiên, Nga và Kim Liên.
Ghiền review không biết các bạn đã đọc hết truyện Lục Vân Tiên chưa còn Ghiền review thì chỉ biết và nhớ có đoạn Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, lên kinh ứng thí thì hay tin mẹ mất, bỏ khoa thi về chịu tang mẹ và khóc nhiều quá đến nỗi hoá mù hai mắt. Còn những nội dung còn lại với mình rất rất xa lạ và nhờ Tiên Nga mình mới biết và yêu tác phẩm Lục Vân Tiên nhiều hơn.
Vở kịch kéo dài 3 tiếng đồng hồ, chia thành 2 phần. Phần 1 khá buồn khi kể về bi kịch của các nhân vật chính và đẩy mâu thuẫn lên cao trào. Phần 2 là phần khiến khán giả cảm thấy thú vị với màn tấu hài duyên dáng của nhân vật Bùi Kiệm và đem đến cho người xem một cái kết ý nghĩa.
Ngoài việc truyền bá giá trị của tác phẩm Lục Vân Tiên, Tiên Nga còn mang đến rất rất nhiều thông điệp ẩn sâu bên trong. Đó là tinh thần yêu nước sâu sắc của mỗi con người nước Việt, dù chỉ là một người có thân phận thấp kém, một người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng vẫn nhận thức đúng đắn vềsự hèn yếu của quan chức có quyền, bán đất nước cho giặc và dám hành động mà không màng đến sự sống để thể hiện tình yêu nước đó. Thật đáng trân quý những con người như vậy và đáng hổ thẹn cho những người vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của dân tộc.
Tiên Nga còn cho thấy một tình yêu son sắt thủy chung, một lòng một dạ với người mình yêu thương. Thực tế chuyện Vân Tiên và Nguyệt Nga gặp nhau 1 lần mà nhớ nhau cả đời thì hơi bị hư cấu nhưng chuyện tình đẹp của họ đáng để nhiều cặp đôi hiện tại suy nghĩ kỹ hơn về mối quan hệ của mình. Đây còn là bài học về tình bạn bè, tình mẫu tử thiêng liêng và tinh thần ở hiền gặp lành của ông cha ta.
Thật sự với 6 cảnh diễn, không thể nào lột tả được hết nội dung trong 2082 câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu nên bạn vẫn sẽ cảm thấy mọi thứ trôi qua quá nhanh, đặc biệt là những biến cố cuộc đời của Lục Vân Tiên. Mặc dù anh là nhân vật chính nhưng anh khá ít đất diễn và chỉ được kể thông qua lời của người dẫn chuyện hoặc nhân vật khác nên người xem chưa thể yêu nhân vật này được. Nếu phỏng vấn khán giả xem xong, có lẽ người ta thích Bùi Kiệm còn hơn Lục Vân Tiên đó các bạn.
Một điểm yếu nữa của Tiên Nga đó là phần thoại và dẫn chuyện với thể thơ lục bát thơ Nôm nên có rất nhiều thuật ngữ(điển tích Trung Quốc, từ cổ,…) mà người xem bây giờ khó hiểu lắm. Ngoài ra phần chuyển nhạc có nhiều đoạn hát không nghe rõ lời khiến cho việc theo dõi nội dung cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, tổng thể vở kịch khá tốt, ý nghĩa, lại còn được tặng một quyển sách ghi nhận xét, đánh giá của người xem về Tiên Nga và một quyển sách tóm tắt nội dung vở kịch, ưng ý vô cùng. Ghiền review chấm 7,5/10 cho phần này nhé.
Hình ảnh: Đây có lẽ là phần mà Ghiền review đánh giá cao nhất của Tiên Nga. Mình đã xem cũng khá nhiều vở kịch và thấy rằng việc chuyển bối cảnh, phông nên ở các vở diễn này khá hạn chế, không được đầu tư kỹ lưỡng. Đối với Tiên Nga thì Ghiền review vô cùng hài lòng vì yếu tố phông màn được thiết kế cực kỳ đẹp mắt, hoành tráng và chân thực. Sự kết hợp giữa ánh sáng và bối cảnh một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo khiến người xem bị cuốn hút theo từng phân cảnh của vở kịch. Đặc biệt, khả năng chuyển bối cảnh giữa các cảnh kịch của Tiên Nga diễn ra cực kỳ nhanh và hiệu quả, cho thấy được sự chuẩn bị và tập dượt kỹ càng của đội ngũ sản xuất.
Bên cạnh đó, phần thiết kế phục trang và trang điểm cho các diễn viên cực kỳ tuyệt vời. Các trang phục thời xưa được tạo hình vô cùng đẹp mắt, không quá diêm dúa, vừa truyền thống nhưng có nét hiện đại và rực rỡ màu sắc. Các bạn sẽ thấy cực kỳ bắt mắt với những vũ công của nước Ô Qua hay ngất ngây trong những bộ xiêm y của Kiều Nguyệt Nga và Võ Thể Loan. Khi vở kịch hạ màn, các diễn viên đồng loạt bước ra, chúng ta mới cảm thấy được sự đa dạng và tỉ mỉ trong phần hình ảnh của Tiên Nga. Ghiền review chấm 9/10 cho hình ảnh nhé.
Âm thanh: Cảm giác được nghe một dàn nhạc sống đánh theo từng diễn xuất trên sân khấu đã vô cùng các bạn ạ. Nghe phê và chân thực lắm. Dưới bàn tay tài hoa của Nhạc sĩ Đức Trí, các ca khúc mượn nhạc tả lời và tâm trạng trong Tiên Nga như chạm đến trái tim người nghe, đặc biệt là những ca khúc cảm động về tình mẫu tử hay về người con gái Phương Nam sẽ khiến bạn đôi lúc phải nổi da gà. Mặc dù các ca khúc có phần giai điệu hơi na ná nhau nhưng nhìn chung vẫn bảo đảm phần nghe thỏa mãn cho người xem.
Một điều mà Ghiền review cực kỳ thích thú đó chính là khả năng hát live cực kỳ tốt của các diễn viên. Phần này mình sẽ nói rõ hơn trong mục diễn xuất nhưng Ghiền review cực kỳ bất ngờ khi các diễn viên kịch mà giọng hát cao vút và trầm ấm một cách tuyệt vời như vậy. Đối với phần âm thanh, điểm 8/10 là xứng đáng.
Diễn xuất: Phải gần 80 nghệ sĩ cùng tham gia góp sức để mang lại cho khán giả một vở kịch Tiên Nga trọn vẹn và quả thực tất cả đều diễn tròn vai. Vai của nghệ sĩ Thành Lộc là cụ Nguyễn Đình Chiểu dẫn chuyện, đưa những hình ảnh của Vân Tiên vào trong tác phẩm của mình. Thực sự vai của Thành Lộc không có cũng chẳng sao nhưng được thêm vào để tạo sự liên kết mạch truyện cũng như bày tỏ được nỗi niềm của tác giả với tác phẩm của mình. Dù không thích cách tạo nhân vật như vậy lắm nhưng Ghiền review vẫn cực kỳ nể phục chú Thành Lộc vì thứ nhất giọng hát của chú quá tuyệt vời, trầm ấm và biểu cảm cực kỳ và thứ hai là ngôn ngữ hình thể của chú cực tốt, đẹp và khiến người xem không thể rời mắt với những biểu cảm và hành động của chú trên sân khấu.
Vai Lục Vân Tiên do Dương Cường thể hiện không thực sự quá ấn tượng bởi lẽ một phần kịch bản không cho anh nhiều đất để chiếm tính cảm của khán giả. Trong suất diễn tối qua, phần hát của Dương Cường không thực sự tốt lắm, có nhiều đoạn hơi lạc tông nhưng thoại anh tốt nên tổng thể cũng khá ổn. Vai diễn Kiều Nguyệt Nga là một trong những vai diễn mang đến tiếng tăm cho cô chị hai trong Gạo nếp Gạo tẻ do Lê Phương thể hiện. Ôi giồi ơi, nhìn hình Lê Phương đẹp xuất sắc khiến mình không nhận ra ai luôn nhưng trên sân khấu thì không đẹp bằng những vẫn tỏa sáng ngời ngời. Đặc biệt giọng của Lê Phương cực kỳ ngọt nên để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả dù rằng mình không thích cách xây dựng tính cách Nguyệt Nga vì cô hơi bị nhu nhược và không mạnh mẽ lắm với mọi thứ.
Hai nhân vật để lại được ấn tượng nhất trong vở kịch Tiên Nga đó là Kim Liên và Bùi Kiệm do Đình Toàn thể hiện. Vai Kim Liên mình không biết ai diễn nhưng thông tin ban đầu phải là Lê Khánh nhưng hình như cô có em bé nên không thể biểu diễn được. Mình không biết tên chị diễn vai này thay Lê Khánh nhưng cảm giác là vẫn chưa đã lắm. Đối với Đình Toàn thì diễn xuất của anh tuyệt vời, duyên dáng và hài hước vô cùng. Mình cứ nghĩ anh chỉ chuyên diễn lố chọc cười cho thiếu nhi chứ không ngờ anh chọc cười người lớn còn hấp dẫn và thú vị hơn nhiều. Dù vai Bùi Kiệm là xấu nhưng khán giả lại nhớ tới anh nhiều nhất vở kịch, chắc luôn.
Các vai diễn còn lại đều ở mức tròn vai, tuy nhiên có nhiều vai mờ nhạt vô cùng, cụ thể là Trịnh Hâm do Nguyễn Quốc Trường Thịnh thể hiện. Vân Trang trong vai Võ Thể Loan cũng là một vai diễn thú vị, mang đến nhiều sự yêu thích cho người xem. Ghiền review chấm 8/10 cho phần diễn xuất của Tiên Nga.
Tóm lại, chỉ với 250k/vé (các bạn xem thông tin vé tại đây nhé), Tiên Nga thực sự đã mang đến cho Ghiền review một trải nghiệm mới mẻ, đã về phần nghe, đẹp về phần nhìn và thấm thía nhiều bài học sâu sắc. Đặc biệt, nhờ có Tiên Nga mình mới biết rõ câu chuyện Lục Vân Tiên kết thúc là như thế nào và được dịp ôn lại những lời văn bất hủ của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Mặc dù còn nhiều khuyết điểm, nhưng phải ghi nhận công lao to lớn của đội ngũ sản xuất ra vở kịch này. Có cơ hội các bạn nhớ đi xem nhé.