Review vẻ đẹp tiềm ẩn của Bảo Lộc

Từ trước đến nay, nhắc đến Lâm Đồng, người ta hầu như chỉ biết đến Đà Lạt. Phải đến những năm gần đây, khi MV “Lạc trôi” trở thành hiện tượng, Bảo Lộc mới được nhắc tới nhiều hơn qua hình ảnh Cổng Trời (Quán Chiếu đường) của Linh Quy Pháp Ẩn tự. Thế nhưng ít ai biết rằng, ngoài Cổng Trời huyền ảo, Bảo Lộc còn có rất nhiều cảnh quan thơ mộng khác. Hãy cùng Ghiền review điểm đến này để cảm nhận những vẻ đẹp tiềm ẩn và nếu thích thì đừng bỏ qua Bảo Lộc trong lịch trình những chuyến đi sắp tới nhé.

Đến thăm Bảo Lộc vào một buổi chiều những tháng vào thu, bạn sẽ cảm nhận được làn không khí se se mát lạnh của vùng đất này. Bởi vì có sự chênh lệch vài độ so với Đà Lạt, nên cái lạnh ở Bảo Lộc khá vừa phải, đủ xua tan nóng bức ở Sài Thành nhưng lại không khiến bạn phải rùng mình, co ro như vùng đất của những trái dâu tây. Do chưa được phát triển về mặt du lịch như Đà Lạt nên Bảo Lộc hiện chưa có các khu nghỉ dưỡng sang trọng hay các khu du lịch nhân tạo như Ma Rừng Lữ Quán, Làng Cù Lần…Tuy nhiên, các điểm bạn có thể dừng chân ở Bảo Lộc tương đối đa dạng và bạn dễ dàng có 1 chuyến hành trình 3 ngày 2 đêm thoải mái mà không lo hết cảnh đẹp để ngắm.

Hồ nước ở Bảo Lộc

Bảo Lộc có nhiều hồ và thác tương tự Đà Lạt, nhưng có một điều bất ngờ là mình cảm thấy các hồ nước ở Bảo Lộc đẹp hơn rất nhiều. Một phần có lẽ là do sự hoang sơ chưa bị con người tác động quá nhiều, phần còn lại chính là màu nước hồ…RẤT RẤT xanh. Mọi hồ nước mình đi ngang, dù là trong thành phố, ở khuôn viên chùa hay nằm giữa nương, rẫy, núi, đồi…nước đều có màu xanh ngọc bích rất đẹp.

Hồ nước và chùa một cột ở chùa A Di Đà

Bạn có thể ghé Lộc Tân (cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 18km hướng về xã Dambri) để thăm “Lục Kính Hồ”, một địa điểm tuyệt đẹp với hồ nước xanh rộng hơn 20 hecta, bao bọc xung quanh là những bãi đá khổng lồ hoang sơ. Để đi được đến hồ nước này, bạn sẽ bon bon chiếc xe theo sườn đồi và đây là cơ hội tuyệt vời cho bạn ngắm nhìn những cánh trồng trà, cà phê và khung cảnh núi đồi hùng vĩ, thơ mộng.

Ở Bảo Lộc cũng có một hồ nước xanh khác nằm trong khu khai thác cao Lanh cũ (cách đồi thông Bối Phương 3km). Hồ nước tuy nhỏ nhưng nước xanh biếc rất đẹp, có thể ví như “Tuyệt tình cốc” đang khuấy đảo cộng động mạng thời gian gần đây. Các bạn có thể đọc bài viết review kinh nghiệm tìm đến với Tuyệt tình cốc hoang sơ này của Ghiền review tại bài viết này nhé.

Linh Quy Pháp Ấn

Chánh điện Linh Quy Pháp Ấn

Chắc hẳn các bạn không còn xa lạ gì với khung cảnh thần tiên tại Cổng Trời (Quán Chiếu Đường) của Linh Quy Pháp Ấn, nhưng ít người biết rằng Linh Quy Pháp Ấn còn có một góc bình yên khác? Rất nhiều người tìm đến Linh Quy Pháp Ấn, vốn là một chốn tu hành bình dị, chỉ với mong muốn chiêm ngưỡng và có vài tấm hình đẹp tại Cổng Trời. Còn Chánh Điện ở ngay đó, có mấy ai ghé vào thăm?

Với mình, Linh Quy Pháp Ấn là ngôi chùa mình thích nhất trong tất cả những chốn tâm linh mình từng ghé thăm. Ngôi chùa nhỏ, rất nhỏ, chỉ có vài tượng phật xung quanh khuôn viên, còn lại được bao bọc bởi vườn cà phê, vườn trà, hoa cỏ, tre xanh…. Chánh Điện chỉ có độc nhất một bức tượng phật và lư hương được đặt ở ngoài nên hoàn toàn không ám mùi nhang khói. Tất cả chỉ có sự yên bình.

Bên hông Chánh Điện (gần cây cô đơn) còn có 1 bãi cỏ hồng rất đẹp

Vẻ đẹp của Linh Quy Pháp Ấn chỉ có thể cảm nhận hoàn toàn qua tâm hồn nhưng dần dần vẻ đẹp ấy đang bị mất đi bởi ý thức của con người. Linh Quy Pháp Ấn vốn có một bãi sỏi trắng rất nghệ thuật ở sân chùa nhưng do lượt khách du lịch quá đông nên khi mình ghé thăm thì bãi sỏi nãy đã không còn nữa. Hay ở bên trong khuôn viên chùa, dù đã có bảng ghi rõ ràng “Xin đừng mang giày dép lên cầu thang” nhưng do tâm lý sợ mất giày nên nhiều bạn trẻ vẫn mang giày vào đây cất.

Bãi sỏi trắng ở Linh Quy Pháp Ấn

Khi nhìn những tấm biển xin đừng bứt hoa cỏ, đừng xả rác, rồi những tấm biển nhắc người, nhắc mình của quý sư thầy, mình vừa cảm thấy khâm phục việc tu hành vừa ái ngạị cho điều này. Có lẽ vì mình không phải người tu hành với cái tâm còn sân si, nên mình cảm thấy có chút bực tức khi cảnh quan của chùa phần nào đó đã bị tổn hại bởi những người vô tâm cũng như thương cảm cho những sư thầy nơi đây. Nếu bạn có ghé thăm nơi này, mình hi vọng các bạn hãy cứ nhẹ nhàng thôi, cứ thưởng thức cảnh đẹp, cứ chụp bao nhiêu ảnh tùy thích nhưng xin đừng xả rác, xin đừng làm “tổn thương” nơi này.

Những điểm đến đẹp khác

Không chỉ riêng Linh Quy Pháp Ấn, Bảo Lộc có rất nhiều cảnh đẹp khác, rất nhiều điểm đến để du khách thưởng ngoạn, trong đó, có khá nhiều nơi là chùa chiền linh thiêng, yên bình (Tu viện Bát Nhã, Chùa A Di Đà, Linh Quy Pháp Ấn…). Hi vọng trong tương lai, khi mà du lịch chắc chắn sẽ phát triển hơn, Bảo Lộc vẫn sẽ được bảo vệ để giữ nguyên bản chất mộc mạc vốn có của mảnh đất này. Sự bảo vệ lớn lao nhất, cần phải đến từ chính những con người sẽ đặt chân đến nơi này. Một số nơi các bạn mà bạn nên ghé qua ở Bảo Lộc có thể kể đến là:

Đồi sim (Mùa sim: tháng 6-8)
Đồi gió ở Bảo Lộc
Đồi chè ở Bảo Lộc không thua kém gì Đà Lạt nhé
Thác Dambri – Bảo Lộc

Thác Tam Hợp (Chùa A Di Đà) – Instagram photo by Александр Петренко

Mùa hoa hồng phần (Hoa kèn Hồng- Bảo Lộc)

Như vậy, có thể nhận xét rằng Bảo Lộc không lãng mạn như Đà Lạt cũng không xô bồ như Sài Gòn mà cảm giác Bảo Lộc mang lại đó chính là sự thanh bình. Nếu Đà Lạt như một nàng thơ của ai đó, thì với mình, Bảo Lộc có dáng dấp của một người phụ nữ đẹp từng trải. Cô gái ấy không mang vẻ đẹp u buồn, nhàm chán, mà vẻ đẹp ấy khiến chúng ta ngẩn ngơ suy nghĩ về hình ảnh một ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên xanh, một buổi chiều lộng gió, bạn ngồi nhâm nhi tách trà ấm cùng nàng và chia sẻ những câu chuyện phiếm nhẹ nhàng….Yên bình và mộc mạc sống thôi.

Mình rất thích Đà Lạt, nhưng chắc chắn sẽ còn quay lại Bảo Lộc nhiều lần nữa, bởi câu chuyện phiếm với một cô gái đẹp trưởng thành, sao có thể kết thúc sớm chỉ trong 3 ngày 2 đêm chứ nhỉ!???

_Nấm_

Đánh giá nào!

2 những suy nghĩ trên “Review vẻ đẹp tiềm ẩn của Bảo Lộc

  1. Pingback: Review Ăn gì ở Bảo Lộc trong 1 ngày? - Ghiền Review

  2. Pingback: Trải nghiệm giải cứu 2 chú cú lạ tại Bảo Lộc - Ghiền Review

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN NHÉ!