Review tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội

Trên mạng xã hội những năm gần đây có quá nhiều tác phẩm ngôn tình Trung quốc. Các bạn trẻ dễ dàng cảm động, dễ dàng khóc cho những mối tình đầy ngang trái và hy sinh. Tuy nhiên, tạm bỏ qua những tản văn ngôn tình mơ mộng, hôm nay hãy cùng Ghiền review chậm lại 1 chút và cầm trên tay cuốn sách đi cùng năm tháng: “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn “Phùng Quán” các bạn nhé.

Ghiền review tin rằng với tác phẩm này, các bạn sẽ thấu cảm, sẽ hiểu như thế nào là khóc, là run bần bật không kiềm chế được khi lật từng trang sách, là sợ không dám đọc đến cái kết của trang cuối cùng. Tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình là quý giá, nhưng hơn hết là tình cảm thiêng liêng đối với đất nước, với quốc gia, mà điều đó lại xuất phát từ “Những Đứa Trẻ”.

Nội dung:

Ghiền review từng đọc Tuổi thơ dữ dội một lần, mà chắc cũng đã 15 năm rồi, đến giờ mới dám cầm lại quyển sách ấy. Từng câu chuyện, từng đứa trẻ trong thời chiến tranh hiện lên đều rất tuyệt vời. 8 câu chuyện khắc họa nên hình ảnh 8 đứa trẻ anh hùng trong tiểu đoàn 32 cậu lính nhỏ. Mở đầu câu chuyện là chiến trường: “Ngày Huế đổ máu” năm 1946, những đứa trẻ với nhiều xuất thân khác nhau trong gia đình giàu nghèo khác nhau được tập hợp và thành lập nên Đội thiếu niên trinh sát Vệ Quốc Đoàn.

Cái tên của đám trẻ khá dân dã: Thằng Vịnh Sưa (vì hàm răng thưa rếch như răng Cá Voi), Lượm sứt (Răng bị mẻ một miếng), Tư dát (nhát gan như thỏ đế), Thằng Thúi, Quỳnh Sơn Ca (vì em có thể chơi đàn, viết nhạc và tiếng hát trong trẻo), Bồng Da rắn… Chỉ cần xem cách chúng đặt biệt danh cho nhau đã thấy sự yêu thương ấm áp của bọn trẻ với nhau trong cơn hoạn nạn, khó khăn rồi.

Điểm hay của truyện là tạo ra được động cơ cho các nhân vật trong truyện hết sức thuyết phục, cụ thể là lý do đưa chúng đến với Cách mạng từ rất sớm cực kỳ tự nhiên nhưng cũng đầy xúc động. Vịnh sưa học làm thợ nguội, nhà nghèo khổ, cha mẹ mất sớm phải ở với bác ruột. Một lần thấy bác bị bọn Tây đánh đến chảy máu, em rất buồn và căm giận. Ngày bộ đội về Huế, em lân la đến chỗ các anh trổ tài thợ nguội, lau súng, sửa súng, thế la được đi theo Cách Mạng.

Trong khi đó, cậu bé Mừng chừng 10 tuổi, mẹ bị hen suyễn, em thường trèo lên tận cây cao hái lá tầm gửi về sắc cho mẹ uống, em gia nhập đội trinh sát với mong muốn ngày độc lập có bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo như mẹ của em.

Đối với Quỳnh Sơn Ca với gia thế rất giàu có, em là 1 thiên tài bẩm sinh trong âm nhạc, thấy được cảnh đất nước nghèo khổ, trái tim đã khiến em lựa chọn trốn gia đình, theo Cách mạng chứ không qua nước ngoài như ba mẹ em mong muốn.

Câu chuyện của Tư dát thì hết sức buồn cười, đang đi học về, nghe các anh bộ đội hát vang trên tàu: “Thà chết không quay lại đời nô lệ! Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu…!” Thế là cậu nhịn không nổi, quẳng cặp xuống sông, nhảy tàu đi theo các anh.

Các em dù nhỏ nhưng tâm hồn đều chọn làm Việt Minh, làm cách mạng, hạnh phúc khi cùng san sẻ cho nhau củ sắn, bao tải làm chăn, ngồi bắt rận cho nhau, chăm sóc nhau trong cái đói rét của núi rừng. Hạnh phúc đôi khi là giản dị nhưng thật xót xa.

Ngoài ra, có một phân đoạn mà mình rất thích ở truyện này đó là vào ngày Cụ Hồ kêu gọi toàn dân ra trận, những cụ già dù đã tuổi cao sức yêu nhưng vẫn rất hăng hái tham gia. “Họ tình nguyện làm đội viên quyết tử, lấy mạng mình đổi mạng giặc. Cấp chỉ huy không đồng ý thì họ làm ầm lên: “Cụ Hồ đã kêu gọi: Thà chết không quay lại đời nô lệ!” Rứa mà các anh lại ngăn trở không cho bày tui “thà chết”, bày tui kiện ra thấu Cụ Hồ cho coi!”

Có thể thấy, không chỉ lấy đi nước mắt của người đọc qua những câu chuyện của lũ trẻ, Tuổi thơ dữ dội còn khiến người xem rưng rưng xúc động vì lòng yêu nước được lột tả qua hành động và ý chí của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp khi chiến tranh xảy ra. Từng câu, từng chữ trong tiểu thuyết diễn tả khung cảnh trai tráng ra trận, già trẻ gái trai đều hừng hực khí thế, tinh thần chiến đấu dâng cao với một mục tiêu duy nhất là bảo vệ tổ quốc, đánh đuổi quân thù quả thực khiến mình cực kỳ yêu thích và ấn tượng.

Chắc chỉ nói đến đây thôi, chứ nếu không Ghiền review spoil hết nội dung của tiểu thuyết mất. Mình phải thừa nhận rằng câu chuyện của Tuổi thơ dữ dội siêu hay mà phải chính bạn cầm trên tay để đọc mới có thể cảm nhận được hết í. Đây thực sự là một tác phẩm giá trị và chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa mà chúng ta và các thế hệ sau cần trân quý hơn.

Nghệ thuật:

Lời văn của tiểu thuyết miêu tả rất chân thật, tựa hồ như chiếc camera quay chậm lại từng cuộc đời ngắn ngủi của các em. Mở đầu một câu chuyện luôn vui vẻ và nhí nhố. Có những khoảnh khắc đám trẻ bông đùa với nhau khiến bạn cười nắc nẻ: “Ô sao tụi nhỏ đáng yêu và tinh ranh đến thế!”.

Tuy nhiên, điểm hay trong nghệ thuật của Tuổi thơ dữ dội là tác giả đã áp dụng thủ pháp đối nghịch trong lối hành văn, theo hướng trước vui sau buồn, từ đó làm người đọc càng thấm thía với những mảnh đời được kể và lòng quặn đau khi đọc đến trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết.

Ngoài ra, vì hầu hết câu chuyện được kể đều diễn ra trên chiến trường ở Huế nên từ ngữ nói chuyện trong tiểu thuyết dùng khá nhiều tiếng địa phương và tiếng Pháp “phiên dịch” trong thời điểm đó. Điều này mang lại một chất gì đó rất riêng, rất Việt Nam và rất chân thực cho tác phẩm.

Tóm lại, Ghiền review muốn gửi lời cảm ơn đến tác giả Phùng Quán vì đã viết nên một bộ truyện đầy cảm động và sâu sắc như vậy. Mình rất hy vọng rằng bạn đọc, đặc biệt là các độc giả trẻ sẽ tìm đọc và chia sẻ tác phẩm Tuổi thơ dữ dội rộng rãi hơn để thế hệ trẻ chúng ta cũng như thế hệ mầm non mai sau có thể học hỏi được cách sống đầy dũng cảm với tinh thần vượt khó đó.

Nếu một đứa trẻ 13 tuổi thời chiến tranh đã có thể cầm súng kiên cường chiến đấu, vậy thì vào thời bình bấy giờ, những người cha, người mẹ tại sao lại phải cứ lo xa bao bọc cho con mình quá mức mà không để chúng tự lập hơn, để những đứa con yêu thương của mình lớn nhanh hơn trong suy nghĩ và hành động như thế hệ trước nhỉ?

-TA-

Đánh giá nào!

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN NHÉ!