Review phim Photocopier (2021): Tiếng lòng phụ nữ Indonesia

Ghienreview - Photocopier

Thời lượng: 130 phút

Đạo diễn: Wregas Bhanuteja

Diễn viên: Shenina Cinnamon, Giulio Parengkuan, Dea Panendra

Quốc gia: Indonesia

Thể loại: Bạo lực, Tâm lý, xã hội

Khởi chiếu: 14/01/2022

Netflix vừa mới ra mắt tựa phim mang tên Photocopier (2021) đến từ điện ảnh Indonesia vốn khá xa lạ đối với khán giả Việt Nam. Bộ phim thuộc thể loại tâm lý xã hội này không trống kèn quảng bá nhưng lại nhanh chóng lọt vào top 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam. Điều gì khiến bộ phim này được quan tâm nhiều như vậy? Hãy cùng Ghiền review phim Photocopier (2021) để tìm ra câu trả lời các bạn nhé. Nào chúng ta cùng bắt đầu thôi!

Cốt truyện: Sur là sinh viên năm nhất ngành Khoa học máy tính vốn nổi tiếng tài giỏi và chăm ngoan. Nhờ có website của Sur mà đội kịch của trường đạt giải nhất và được cử sang Nhật Bản dự thi. Để ăn mừng thành công này, đội kịch đã tổ chức một buổi quẩy tưng bừng tại nhà của Rama – biên kịch có gia thế vô cùng giàu có. Sur đã nói dối ba mẹ là đi phỏng vấn để được đi party cùng với mọi người. Tuy nhiên đêm hôm ấy lại trở thành một ký ức đáng quên của Sur và thay đổi hoàn toàn của cô. Điều gì đã xảy ra với Sur và cô gái nhỏ bé này phải làm gì để đối diện với những áp lực vây quanh mình? Xem phim để có câu trả lời các bạn nha.

Chắc hẳn khán giả sẽ cảm thấy khá quen thuộc với bối cảnh và không khí mà Photocopier (2021) mang lại vì sự tương đồng giữa câu chuyện và các hình ảnh của IndonesiaViệt Nam. Câu chuyện của phim không mới và ít thú vị nhưng vẫn tạo được cảm giác tò mò cuốn hút người xem để tìm ra chân tướng sự thật. Vấn nạn trọng nam khinh nữ, phân biệt giàu nghèo, giai cấp được phim lột tả rất trần trụi qua những câu chuyện rất đỗi bình thường khiến khán giả Việt Nam cảm thấy may mắn khi được sinh ra ở đất nước hình chữ S. Hãy cùng Ghiền review phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của Photocopier (2021) để hiểu hơn về phim các bạn nhé!

Điểm cộng:

Dễ thấy điểm thú vị mà Photocopier (2021) mang đến cho người xem chính là câu chuyện gần gũi, đơn giản nhưng lại ẩn chứa những bí ẩn khiến khán giả phải tò mò. Phim được xây dựng theo hướng trinh thám dù các nút thắt không có gì to tát và cái kết của phim không giải quyết triệt để vấn đề đặt ra. Các nhà làm phim đã rất tinh tế khi đặt người xem vào góc nhìn của nữ chính Sur, từ đó tạo ra cảm giác hồi hộp như thể chính khán giả đang đi tìm câu trả lời cho những hoài nghi trong lòng.

Nếu chỉ dừng lại ở yếu tố hồi hộp nêu trên, có lẽ Photocopier (2021) không để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả như vậy. Nhờ vào việc lột tả sự bất công, đặc biệt là đối với những người phụ nữ trong xã hội Indonesia, Photocopier (2021) khiến khán giả cảm thấy sững sờ với những quy định và phán xét khắt khe, đầy tính thiên lệch, thậm chí là lố bịch của những người đàn ông xứ sở vạn đảo. Bên cạnh đó, khán giả còn cảm thấy đồng tiền có sức mạnh như thế nào ở Indonesia, không chỉ có thể đổi trắng thay đen mà còn khiến con người bỏ qua nhân tính của mình.

Ghienreview - Photocopier

Sự biến thái mà Photocopier (2021) khắc họa không quá lớn và nguy hiểm khi so sánh với các bộ phim khác nhưng nó gây tổn thương đến tâm lý và trực tiếp lợi dụng hình ảnh của nạn nhân một cách phi pháp. Cách mà các nhân vật đứng lên để bày tỏ tiếng nói của bản thân, mặc cho hành động đó chưa chắc mang đến tác động thực sự nhưng tương tự như chiếc máy photo, nếu chúng ta nhân rộng sự dũng cảm và thẳng thắn ấy cho toàn xã hội, chắc chắn sẽ có lúc sự thật được khoác lên mình lớp áo sự thật.

Âm nhạc và cách quay phim giúp cho Photocopier (2021) trở nên gần gũi hơn với người xem và miêu tả chân thực về cuộc sống của người Indonesia. Mặc dù đa phần các diễn viên tham gia phim đều khá trẻ nhưng diễn xuất của họ tương đối ổn và để lại ấn tượng nhất định trong lòng người xem. Thú vị nhất là có vai tốt, vai xấu trong Photocopier (2021) nhưng khán giả dường như có cảm xúc trung lập đối với họ. Theo đó, sẽ có lúc bạn cảm thấy thương cảm cùng nhân vật nhưng nhiều khi bạn cũng không hài lòng với cách họ hành xử. Chính điều này tạo nên sự cân bằng cho tuyến nhân vật, đồng thời giúp phim thực tế hơn.

Ghienreview - Photocopier

Điểm trừ:

Cảm giác mà Photocopier (2021) mang lại cho người xem như thể toàn bộ câu chuyện được sinh ra chỉ để nâng tầm hình ảnh ẩn dụ của chiếc máy Photo. Chính vì vậy, các tình tiết trong phim dù được xây dựng chỉn chu nhưng không đủ đổ sắc nét, đặc biệt là suy nghĩ và hành động của nữ chính mang tính bản năng, vội vàng và chưa đủ độ nặng để thuyết phục mọi người dám đứng lên. Cái kết mở của phim không giải quyết triệt để vấn đề nên chưa thể làm hài lòng được những cảm xúc và kỳ vọng của khán giả.

Mạch phim Photocopier (2021) hơi bị dông dài, lê thê ở một số phân đoạn có thể khiến khán giả cảm thấy nhàm chán hoặc buồn ngủ khi theo dõi. Cốt truyện phim không quá đặc sắc và thiếu sức nặng nên cảm giác xem xong tương đối nhạt nhòa. Bên cạnh đó, một số tình tiết của Photocopier (2021) có vẻ hơi hư cấu, thậm chí có thể là hơi bị thái quá và khó có thể xảy ra trên thực tế nên gây ra một số lấn cấn nhất định cho người xem khi theo dõi.

Ghienreview - Photocopier

Thang điểm đánh giá:

  • IMDB: 7.1/10 (1.100 đánh giá)
  • Google: 91/100
  • Rotten Tomatoes: Chưa đánh giá
  • Ghiền review: 6.5/10 (Khá Ghiền)

Tóm lại, Photocopier (2021) là một tác phẩm điện ảnh ở mức trung bình khá của điện ảnh Indonesia. Mặc dù vẫn còn một số sạn nhỏ nhưng phim vẫn mang đến rất nhiều thứ thú vị cho khán giả khi theo dõi. Đặc biệt, phim muốn truyền tải thông điệp dũng cảm nói lên sự thật và muốn lan tỏa điều đó đến với mọi người để xã hội ngày càng tốt hơn. Trong lúc cả ngoài rạp lẫn Netflix đều không có phim gì thú vị thì Photocopier (2021) có thể được xem là một lựa chọn tương đối ổn để thưởng thức đó nha mọi người.

-BatmanHCM-

Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?

3/5 - (1 bình chọn)

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN NHÉ!