Thời lượng: 108 phút
Đạo diễn: Taika Waititi
Diễn viên: Roman Griffin Davis, Thomasin McKenzie, Scarlett Johansson
Quốc gia: Mỹ
Thể loại: Lịch sử, hài hước, kịch tính
Khởi chiếu: 2019
Jojo Rabbit là bộ phim mang đến cho người xem một cảm giác khá kỳ lạ, tương tự như cách mà tiêu đề phim gợi ra sự tò mò cho khán giả. Bộ phim này vừa mới vượt qua các tên tuổi lớn như Joker hay Little Women để vinh dự nhận giải Oscar cho hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Chính vì vậy, Ghiền review phải quyết tâm xem được phim này để tìm hiểu xem bộ phim này có gì thú vị và hấp dẫn. Nào, hãy cùng Ghiền review Jojo Thỏ đế nhé!
Cốt truyện: Lấy bối cảnh thế chiến thứ 2, tương tự như những đứa trẻ Đức cùng tuổi khác, cậu bé Jojo vô cùng cuồng tín và thần tượng vào Hitler – Vị quốc trưởng của chế độ Phát xít nổi tiếng. Một ngày nọ, cậu vô tình phát hiện ra ở trên gác nhà mình có một cô bé người Do Thái đang lẩn trốn. Jojo sẽ làm gì khi gặp phải “kẻ thù” của chế độ mà mình tôn thờ?
Như ở phần dẫn nhập ban đầu, Jojo Rabbit mang đến cho mình một cảm giác khá kỳ lạ khi xem phim. Cảm giác là kiểu vừa bị cuốn vào mạch phim, vừa vui, vừa buồn, vừa thấy sảng khoái nhưng cũng có phần nào đó phân vân, trăn trở. Lượng thông điệp mà phim truyền tải đến người xem thực sự là quá lớn nhưng không bị lố hay khiên cưỡng mà mọi thứ cứ thế tuần tự đi vào suy nghĩ của từng người.
Cái lạ mà Jojo Rabbit mang lại cho khán giả nêu trên có thể đến từ việc phim được sản xuất theo phong cách của đạo diễn tài năng Wes Anderson. Phần này mình sẽ phân tích sâu hơn một xíu ở phần hình ảnh vì phần này có rất nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên cách đưa ra các yếu tố hài hước, mỉa mai và kết cấu câu chuyện thật khiến người ta phải nhớ đến vị đạo diễn của phim French Dispatch (Bức thư Pháp) sắp chiếu trong tháng 7/2020 tới.
Jojo Rabbit giúp Ghiền review hiểu thêm về chế độ phát xít dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Ở đó, chúng ta thấy được những quan điểm cực đoan, những lý luận ngớ ngẩn của những kẻ tôn thờ học thuyết Darwin xã hội. Chúng ta thấy được cuộc sống và cảm xúc của những người Do Thái khi phải sống chui sống nhủi vì sự kỳ thị chủng tộc vô lý. Người xem còn biết thêm về khả năng mê hoặc thần bí của Hitler đối với người dân Đức thời kỳ bấy giờ và chắc hẳn nhiều bạn sẽ giống như mình là lên Google tìm kiếm thông tin về con người này ngay khi xem xong phim.
Tiếng cười mà Jojo Rabbit đến từ những lời nói và hành động vô cùng lạ lùng của người Đức dưới thời Hitler. Đó không phải là cách gây cười bằng những cử chỉ hay từ ngữ siêu lố mà đạo diễn Taika Waititi đã dùng trong phần phim Thor 3, thay vào đó yếu tố hài hước trong phim khá thâm sâu và chua chát dựa trên sự mỉa mai, cà khịa chế độ phát xít. Đơn cử như phần chào hỏi của người dân Đức trong phim thực sự đã khiến Ghiền review phải ôm bụng, lắc đầu cười thích thú nè.
Sỡ dĩ Jojo Rabbit chiến thắng giải thưởng Oscar, theo mình nghĩ chính là nhờ việc phim truyền tải rất nhiều thông điệp ý nghĩa trong các tình tiết phim. Đó là việc phê phán bạn phân biệt chủng tộc, đề cao khát vọng tự do, tinh thần phản chiến hay nhắc nhở chúng ta về quyền con người và cách nuôi dạy một đứa trẻ. Cảnh cuối của bộ phim thực sự rất đẹp, khiến người xem cảm thấy thoải mái và đó là lần đầu tiên mình hiểu được ý nghĩa của việc nhảy nhót nè.
Bộ phim này được kể dưới con mắt của một đứa trẻ nên nhiều tình tiết nó rất ngây thơ, trong sáng và hồn nhiên. Tuy vậy mượn lời của cậu bé Jojo, các nhà làm phim đã cho chúng ta được chứng kiến những tranh luận sắc bén từ nhiều phía về chủ nghĩa phát xít, chiến tranh và tình yêu. Chính điều này mang đến cảm giác vừa nhẹ nhàng, vừa nặng trĩu cho khán giả nè. Ghiền review chấm phần này 8/10 các bạn nhé.
Hình ảnh: Như đã nói ở trên, Jojo Rabbit học tập Wes Anderson trong việc thiết kế bối cảnh và sắp xếp bố cục trong khung hình. Sự tương đồng về màu sắc, không gian, sự đối xứng hay những cảnh quay Slo-motion khiến người xem chìm đắm vào những cảnh quay đầy tính mỹ thuật của phim. Tuy là phim được kể dưới con mắt của một đứa trẻ nhưng phim cũng tái hiện khá tốt những phân đoạn chiến tranh, đặc biệt sử dụng những cảnh quay này để châm biếm chế độ phát xít trong việc biến những đứa trẻ thành công cụ giết người. Ghiền review chấm 8.5/10 cho phần này nhé.
Âm thanh: Phần này của Jojo Rabbit cũng rất ổn nè. Những bài nhạc trong phim rất bắt tai đồng thời mang được âm hưởng nước Đức những năm hồi đó. Âm thanh cũng góp phần đẩy mạnh tính cao trào của phim cũng như khiến người xem thấm thía hơn về ý nghĩa của 2 từ “tự do”. Ghiền review chấm phần này 8/10 luôn các bạn ơi.
Diễn xuất: Nhờ vào màu phim rực rỡ và những góc quay cận mặt nên người xem cảm nhận được vẻ đẹp thực sự của các diễn viên trong phim. Thực tế thì cũng khó có thể đánh giá được khả năng diễn xuất của các diễn viên bởi vì bản thân bộ phim đã là một câu chuyện cười nhằm phê phán tư tưởng phát xít thời bấy giờ cơ mà.
Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất phim theo mình không ai khác đó chính là cậu bé Jojo do Roman Griffin Davis thể hiện. Cậu đã hóa thân vô cùng xuất sắc một phát xít nhí, vừa dễ thương, vừa đơn độc, vừa là một fan cuồng nhưng cũng rất tội nghiệp. Ở cậu, chúng ta có thể thấy được hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ nhưng lại bị chính trị “đầu độc”, khiến chúng phải đi thần tượng một chế độ diệt chủng thay vì là những siêu anh hùng như những đứa trẻ khác. Nhờ sự xuất sắc này, phần diễn xuất của phim xứng đáng được 8/10.
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: 8/10 (109.719 đánh giá)
- Metascore: 58/100
- Rotten Tomatoes: 80/100 (Cà chua tươi)
Tóm lại, Jojo Rabbit -Jojo Thỏ đế thực sự là một bộ phim rất đáng xem về chế độ phát xít Đức. Cách tiếp cận của bộ phim này đến từ góc nhìn của một đứa trẻ con, từ đó khiến người xem luận ra được rất nhiều điều về xã hội và con người. Đây là một tác phẩm điện ảnh rất đẹp, vừa thâm thúy nhưng lại rất nhẹ nhàng, khiến bạn bị cuốn vào từng tình tiết nhỏ nhất và đầy trào phúng của phim. Giải thưởng Oscar dành cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất mà Jojo Rabbit nhận được là hoàn toàn xứng đáng. Hãy tìm và thưởng thức phim ngay và luôn các bạn nhé!
-BatmanHCM-
Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?
Pingback: Review phim Đầu tiên họ giết cha tôi - Ghiền Review