Review phim Guilty – Tội lỗi (2018)

Thời lượng: 85 phút

Đạo diễn:  Gustav Möller

Diễn viên: Jakob CedergrenJessica DinnageOmar Shargawi

Quốc gia: Đan Mạch

Thể loại: Tội phạm, kịch tính

Khởi chiếu: 18/06/2018

Đây là một bộ phim hình sự của điện ảnh Đan Mạch, được rất nhiều giải thưởng danh giá và được các nhà phê bình trên thế giới dành tặng nhiều lời khen có cánh. Hãy cùng Ghiền review phim Guilty – Tội lỗi (2018) xem thử bộ phim này có giá trị và đáng xem như người ta đồn thổi không nha.

Cốt truyện: Guilty mang người xem đến với phiên trực điện thoại của tổng đài viên trường hợp khẩn cấp Asger – vốn là một cảnh sát bị vướng vào vụ kiện nên bị giáng chức. Như bao ca trực khác của anh, có rất nhiều người cần anh giúp đỡ, tuy nhiên hôm đó có một người phụ nữ tên là Iben gọi điện cho anh với ám hiệu rằng mình bị bắt cóc. Với kỹ năng và lòng tốt của mình, Asger đã làm đủ mọi cách để xác định vị trí của Iben cũng như khám phá những bí ẩn đằng sau vụ bắt cóc này.

Các nhà phê bình đánh giá đây là tuyệt tác trinh thám, nghẹt thở và hồi hộp đến phút cuối cùng, tuy nhiên theo Ghiền review thì quy mô của vụ án không lớn và nghiêm trọng như các phim trinh thám chúng ta thường thấy cũng như plot twist của phim khá dễ đoán và không bất ngờ lắm.

Cái hay của phim mà Ghiền review nhận thấy được đó chính là cách kể chuyện qua lời thoại. Chúng ta không hề thấy một vụ bắt cóc nào trong phim, không có hành động, điều tra mà tất cả chỉ thông qua những cuộc điện thoại của Asger với các nhân vật trong phim. Cao trào và kịch tính hay sự ám ảnh của phim đều được thể hiện qua lời nói, do đó độ phê mà những tình huống này mang lại không cao bằng việc được chứng kiến tận mắt.

Bên cạnh đó, một yếu tố mà Ghiền review đánh giá khá cao trong phim đó là sự chân thật. Nếu bạn từng trực điện thoại chăm sóc khách hàng thì bạn sẽ thấy những tình huống trong phim rất quen thuộc với người tổng đài viên. Tình huống đưa ra trong phim có xuất phát điểm rất bình thường như ngoài đời thực chứ không bị điện ảnh hoá thành các vụ án có âm mưu thâm sâu của một phản diện siêu trí tuệ. Qua đó chúng ta hiểu được xã hội ở đâu cũng có rất nhiều vấn đề và phải nhìn ở nhiều khía cạnh thì mới thấy một việc ta nghĩ đó là tốt nhưng thực ra đó lại là tội lỗi.

Phim chỉ dài chưa đầy 1 tiếng rưỡi nhưng xem phim có cảm giác khá lê thê. Tội lỗi rập trung vào suy nghĩ và phản ứng của Asger mà quên thêm thắt nhiều yếu tố hấp dẫn khác để làm người xem hào hứng với bộ phim. Dù rằng khán giả cũng tò mò xem Iben sẽ bị bắt cóc đưa tới đâu, Asger có giải cứu được cô hay không, nhưng việc có đôi chút chán chường với phim là điều dễ hiểu. Nếu như là phim ở nước khác, có lẽ tình huống này đã được giải quyết trong 30 phút đầu của phim rồi.

Yếu tố logic của phim ở mức khá, vẫn còn nhiều điểm khiến người xem cảm thấy khó hiểu và cảm giác có sự dàn xếp, ép tình huống phải như vậy của biên kịch và đạo diễn phim. Cách xây dựng nhân vật cũng không quá mới, đặc biệt là Asger. Nếu ai rơi vào vị trí của anh cũng sẽ hành động y chang Asger nếu như người đó thật sự là một người yêu nghề và là một cảnh sát tốt.

Phim mang đến một số ý nghĩa nhất định cho người xem. Thứ nhất là tính hai mặt của tội lỗi cũng như áp lực mà những cảnh sát sau điện thoại phải chịu mỗi ngày. Tội lỗi cũng nêu lên sự quan liêu của bộ máy cảnh sát và bản chất thật sự của con người. Mấy cái hàm ý này thì nhiều phim đã nói hết rồi nên người xem cảm thấy khá bình thường, không có gì quá mới mẻ. Ghiền review chấm phần này của phim 6.5/10 nhé.

Hình ảnh: Đây có lẽ là cách làm phim tiết kiệm các cảnh quay nhất, chúng ta chỉ thấy 3 hình ảnh chính trong phim: Asger, chiếc tai nghe và màn hình máy tính. Vì tất cả chỉ bó hẹp trong phòng làm việc như vậy nên người xem cảm thấy khá nhàm chán, bức bí nhưng chính sự tài tình của đội ngũ làm phim đã khiến cốt truyện của phim vẫn được triển khai đầy đủ.

Phim sử dụng các góc quay cận mặt rất nhiều để nhấn mạnh được cảm xúc của Asger. Tuy nhiên có lẽ đó là gương mặt của một cảnh sát từng trải nên không có quá nhiều cảm xúc được mang đến cho khán giả. Mình vẫn thích các bộ phim có nhiều góc quay đẹp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa màu sắc và hình ảnh nên với những gì mà Guilty mang lại, Ghiền review chấm 6.0/10 thôi nhé.

Âm thanh: Phần này của phim có lẽ là tốt nhất, bởi vì khi không có nhiều nhân vật và cảnh quay chỉ bó hẹp trong một căn phòng thì âm thanh chính là yếu tố then chốt giúp câu chuyện được kể đến người xem. Những gì mà Asger nghe được qua tai nghe đã được các nhà làm phim miêu tả bằng âm thanh, tiếng động chân thực, khiến cho trong đầu mỗi người chúng ta tự hình dung lên cảnh phim đó đang diễn ra như thế nào.

Cách làm này có ưu điểm là kích thích trí tưởng tượng của người xem, không cần phải show ra các hình ảnh tội ác hay chân dung của hung thủ mà vẫn đạt được mục đích của câu chuyện. Tuy nhiên nếu so với những âm thanh hoành tráng của các phim Hollywood thì sự đã tai mà Tội lỗi mang lại vẫn chưa tốt. Ghiền review chấm phần này 7/10 các bạn nhé.

Diễn xuất: Đối với các diễn viên thể hiện vai diễn của mình qua các câu thoại thì Ghiền review không có nhiều ý kiến vì khó có thể đánh giá khả năng diễn xuất của họ. Tuy nhiên qua biểu cảm giọng nói, chúng ta có thể hình dung nhân vật ấy theo cách riêng của mình thì cũng có thể nói các diễn viên đã thành công rồi.

Nhân vật chính của phim là Asger do nam diễn viên Jakob Cedergren thể hiện, xuất hiện xuyên suốt toàn bộ phim luôn. Xem anh diễn, chúng ta thấy được có một nỗi u uất ẩn chứa bên trong anh bên cạnh hiểu rõ sự tận tụy và lòng tốt của viên cảnh sát này. Dù vậy, nhiều khoảnh khắc Ghiền review vẫn thấy anh hơi đơ, chưa đủ sức thuyết phục người xem nên vẫn chưa thấy yêu thích được nhân vật này. Ghiền review chấm 6.5/10 cho phần này nhé.

Thang điểm đánh giá:

  • IMDB: 7.6/10 (15.469 đánh giá)
  • Metascores: 83/100
  • Rotten Tomatoes: 99/100 (Cà chua tươi)

Tóm lại, Guilty – Tội lỗi là bộ phim trinh thám, hình sự đầu tiên của Đan Mạch mà Ghiền review xem. Thực sự thể loại này thì mình thấy các phim của Mỹ hay Tây Ban Nha vẫn làm tốt hơn Đan Mạch rất nhiều. Tuy nhiên nếu bạn nào muốn xem thử một câu chuyện điều tra mà tất cả chỉ thông qua các cuộc điện thoại thì đừng bỏ lỡ bộ phim này nhé. Phim không chiếu ngoài rạp Việt Nam vì thể loại kiểu này chắc cũng khá kén người xem í.

– BatmanHCM-

Đánh giá nào!

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN NHÉ!