Thời lượng: 104 phút
Đạo diễn: Mai Pawat
Diễn viên: Ter Chantavit, Pope Thanawat, Sammy Cowell
Quốc gia: Thái Lan
Thể loại: Hài hước, Tình cảm
Khởi chiếu: 12/11/2020
Bộ phim đứng đầu phòng vé Thái Lan năm 2020 đã chính thức được công chiếu tại các rạp ở Việt Nam rồi nè các bạn ơi. Đừng gọi Anh là Bố là bộ phim được điện ảnh xứ Chùa Vàng remake lại từ bản gốc mang tên Đạp gió rẽ sóng của điện ảnh Hoa Ngư năm 2017. Với đề tài xuyên không thú vị cùng với dàn trai xinh gái đẹp u mê chữ ê kéo dài, quả thật bộ phim này có một sức hút khó cưỡng đối với nhiều lứa tuổi xem phim. Nào, hãy cùng Ghiền review phim và giải mã sự thành công của Đừng gọi Anh là Bố nhé.
Cốt truyện: Got là một vận động viên đua xe chuyên nghiệp và rất thành công với sự nghiệp của mình. Tuy nhiên cuộc sống gia đình của anh không hạnh phúc khi suốt ngày Got khắc khẩu với cha còn mẹ anh thì mất từ sớm. Trong một lần chở ba mình về nhà, vì muốn thể hiện tài năng với ông ấy, Got đã vô tình gây ra một vụ tai nạn nghiêm trọng và chính anh bị hôn mê nhiều ngày sau đó. Tuy nhiên, đây là quãng thời gian giúp anh xuyên không về thời điểm mà anh sắp được ra đời, từ đó nhiều tình huống dở khóc dở cười phát sinh khi anh trở thành “bằng hữu” của ba mẹ mình.
Mặc dù nội dung phim mang đậm chất làm phim của Trung Quốc nhưng bản remake này vẫn khiến người xem cảm nhận được cái hồn của điện ảnh Thái Lan ở bên trong. Đội ngũ biên kịch đã Thái hóa cốt truyện khá tốt, làm nổi bật được văn hóa, con người và biểu cảm rất đặc trưng của xứ sở Chùa Vàng. Phần đầu của phim nghiêng về hài nhảm nhưng càng về sau thì mảng miếng hài của Đừng gọi Anh là Bố sẽ trở nên duyên dáng, đáng xem và giải trí hơn.
Điểm mạnh nhất của Đừng gọi Anh là Bố có lẽ là sự thú vị trong cốt truyện khi cả nhân vật chính và người xem được xuyên không trở về quá khứ để chứng kiến thời xanh xuân của ba mẹ Got. Hành trình mà anh chàng này được trải qua trong phim không đơn thuần chỉ là việc khám phá những điều mới lạ của thế kỷ trước mà đó còn là hành trình để thấu hiểu về tính cách, con người và suy nghĩ của những người thân mà trước giờ Got vẫn luôn oán trách. Nếu bạn nghiền ngẫm kỹ hơn các tình tiết của phim, có thể bạn sẽ nhận ra nhiều thông điệp ý nghĩa và nhìn thấy phảng phất hình ảnh của mình trong các nhân vật của phim.
Không chỉ có những cảnh hài hước thú vị, Đừng gọi Anh là Bố còn mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc nhờ vào những phân cảnh hành động mãn nhãn cùng với lối dẫn dắt câu chuyện thông minh và độ xinh trai đẹp gái của dàn diễn viên chính. Phim khá cuốn người xem đến nỗi mà hầu như không có giây phút nào bạn có thể rời mắt ra khỏi màn hình được luôn í.
Tuy nhiên để mà so sánh Đừng gọi Anh là Bố với những tác phẩm khác của điện ảnh Thái Lan như Thiên tài bất hảo hay Friend Zone thì quán quân phòng vé 2020 của Thái có vẻ còn kém rất xa. Nếu tập trung kỹ vào cốt truyện, bạn sẽ thấy toàn bộ câu chuyện hóa ra vô cùng đơn giản và cứ lặp đi lặp lại diễn biến chỉ để thôi thúc nhân vật chính nhận ra cái sai trong suy nghĩ của mình. Nhờ những tình tiết hài hước và hành động nêu trên, phim đã khéo léo đánh lừa khán giả thoát khỏi cảm giác chán nản và thấy thích phim hơn nhờ tính giải trí cao.
Bên cạnh đó, với những khán giả khó tính thì Đừng gọi Anh là Bố còn chứa rất nhiều vấn đề liên quan đến lỗi logic trong cốt truyện và xây dựng nhân vật. Theo Ghiền review thì tất cả những gì xảy ra trên phim đều do nhân vật chính tự tưởng tưởng ra nên những yếu tố nhảm nhí, xàm xí và hư cấu mà các diễn viên thể hiện đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng chỉ một tí xíu nữa là phim này sẽ bị gán mác phim nhảm luôn í, may sao mà yếu tố tình cảm gia đình được các nhà sản xuất tập trung phát triển nên còn vớt vát lại được chút ít trong đầu người xem sau khi đèn rạp chiếu sáng lên.
Cảnh cuối của Đừng gọi Anh là Bố có lẽ sẽ mang đến một cái kết có hậu làm hài hòa cảm xúc của người xem. Tuy nhiên, Ghiền review lại hiểu cảnh này chỉ là tưởng tượng của nhân vật chính và như vậy kết phim không hề có hậu như cách mà chúng ta nghĩ. Suy đoán này phù hợp với câu nói của Got khi tỉnh dậy sau khi hôn mê và theo Ghiền review đây là thông điệp lớn nhất mà phim muốn gửi đến người xem – hãy biết trân trọng những người thân ở bên cạnh ta. Với phần cốt truyện, Ghiền review chấm 6.5/10 các bạn nhé.
Hình ảnh – Âm thanh: Phần hình ảnh của phim có nhiều cảnh quay slo-motion và hành động rất đẹp mắt, nghệ thuật và đầy tính bạo lực. Bối cảnh trong Đừng gọi Anh là Bố hiện lên trong mắt người xem khá hoài cổ, kết hợp giữa phong cách Thái Lan và Trung Quốc, thậm chí có một số khung cảnh nhìn chill dễ sợ luôn các bạn ạ. Mặc dù vậy, kỹ xảo và phần dàn dựng ở một vài tình tiết của phim vẫn rất thiếu chân thực, sơ sài và kém tính nghệ thuật. Âm nhạc của phim khá tốt, sống động nhưng vẫn thiếu một cái gì đó để có thể in sâu vào tâm trí người xem như ca khúc Người nào đó của phim Friend Zone. Vì vậy, Ghiền review chấm phần này 6.5/10 luôn các bạn ạ.
Diễn xuất: Đừng gọi Anh là Bố sở hữu dàn diễn viên đẹp và hút ánh mắt vô cùng các bạn ạ. Ngay cả phản diện hoặc các nhân vật phụ cũng sở hữu vẻ ngoài rạng ngời, đủ sức khiến khán giả phải bừng tỉnh dù nội dung chưa phải là đặc sắc lắm. 2 nam chính của phim tương tác với nhau khá tốt, mang đến tiếng cười và cả nước mắt cho người xem. Tuy nhiên một số cảnh thì biểu cảm của 2 anh hơi lố và phần hóa trang thành người già nhìn cùi mía quá, khó có thể chấp nhận được. Ghiền review thích nhất là nữ chính của phim do bóng hồng lai Sammy Cowell đảm nhiệm. Không hiểu sao càng nhìn kỹ cô, càng thấy cô đẹp như Địch Lệ Nhiệt Ba luôn í các bạn ạ. Do vậy, Ghiền review chấm phần diễn xuất 7/10 nha.
Thang điểm đánh giá:
- Google: 92/100
- Galaxy Cinema: 6.7/10
- CGV: Chưa đánh giá
Tóm lại, Đừng gọi Anh là Bố là một bộ phim Thái đậm chất giải trí dù nội dung chưa thật sự đặc sắc. Phim quy tụ dàn trai xinh gái đẹp đủ để bạn hài lòng bỏ tiền ra rạp để thưởng thức cái đẹp. Tuy nhiên, chất lượng của phim không được như nhiều người đồn thổi nên bạn đừng quá kỳ vọng vào phim nhé. Tuần này ngoài rạp còn nhiều phim thú vị hơn nên các bạn cân nhắc với lựa chọn trên nha.
-BatmanHCM-
Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?